Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp da giày, dệt may kéo dài đến 24/11

12:42' - 21/11/2018
BNEWS Việt Nam đã và đang trở thành quốc gia xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ 3 thế giới, doanh thu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm liên quan cũng đã tăng nhanh.

Ngày 21/11, chuỗi Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp da giày, dệt may lần thứ 18 (VTG 2018); Triển lãm máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may (VitaTex); Triển lãm ngành công nghiệp da giày và nguyên phụ liệu tại Việt Nam (VFM) và Triển lãm ngành công nghiệp hóa chất dệt may tại châu Á lần thứ 8 (INTERDYE ASIA 2018) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, Tp. Hồ Chí Minh.

Đây là sự kiện và diễn đàn B2B chuyên nghiệp trong ngành dệt may, da giày được tổ chức bởi Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Vinexad (Bộ Công Thương) kết hợp Công ty dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yorkers, cùng các Hiệp Hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), Hội Dệt may-Thêu- Đan Tp. Hồ Chí Minh (AGTEK)…

Cụ thể, VTG 2018 thu hút hơn 400 đơn vị tham gia với hơn 600 gian hàng của hàng trăm thương hiệu nổi tiếng từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam…. Theo đó, có thể kể đến các thương hiệu máy thêu nổi tiếng như: Bao Lun, Rich Peace, Tajima, ZSK… Hay thương hiệu Heinz Walz, Epson, Grafica và Sulfet giới thiệu nhiều loại máy in chất lượng cao.

Còn VFM là một trong những điểm nhấn mới trong chuỗi Triển lãm ngành công nghiệp dệt may, da giày năm nay, với các thiết bị sản xuất giày dép mang lại nhiều lựa chọn về các thành phần sản xuất trong chuỗi giá trị giày dép. Trong khi đó, INTERDYE ASIA 2018 là sự kiện hàng đầu thế giới đã diễn ra khắp châu Á.

Năm nay, một lần nữa InterDye Asia đến với thị thường Việt Nam đầy tiềm năng nhằm góp phần phát triển ngành dệt may nói chung và ngành hóa chất phục vụ cho chuyên ngành dệt may nói riêng.

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 700 nhà sản xuất, khoảng 1,5 triệu công nhân tham gia vào lĩnh vực giày dép. Việt Nam đã và đang trở thành quốc gia xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ 3 thế giới, doanh thu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm liên quan cũng đã tăng nhanh.

Tuy nhiên, hạn chế về năng suất sản xuất liên quan đến máy móc ngành da giày của Việt Nam là một điểm yếu cần phải được khắc phục. Mặt khác, là quốc gia năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam tiếp nhận sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ quốc tế cho ngành Giày da Việt Nam.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu - Đan Tp. Hồ Chí Minh (AGTEK), Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tạo ra những tín hiệu phát triển tốt cho ngành nếu biết tận dụng các nhà sản xuất trong nước sẽ cải thiện được hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất…

Ngoài ra, còn có cơ hội hợp tác với các nước trong khu vực nhằm tìm kiếm nguồn nguyên liệu tốt hơn, hình thành dây chuyền cung ứng mới để nâng cao lợi thế cạnh tranh tại các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đạt được một kỷ lục đáng nhớ khi doanh thu sản xuất và xuất khẩu ngành công nghiệp dệt may nằm trong top 5 trên thế giới. Bên cạnh đó, ngành da giày Việt Nam với số lượng xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 7,4% khối lượng xuất khẩu toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc.

Đồng thời, các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng như Nike, The North Face, Timberland, Columbia… đều do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Do đó, EVFTA cùng các lợi thế đến từ các FTA khác sẽ tạo đòn bẩy cho Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trên thị trường dệt may toàn cầu.

Theo các doanh nghiệp, sự kết hợp chuỗi triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 24/11/2018 được xem là nơi tập hợp hầu hết các ngành công nghiệp và toàn diện nhất, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất Việt Nam trải nghiệm và tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu với những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, hiện đại và tiết kiệm thời gian./.

>>> Dệt may và da giày kỳ vọng gì từ Hiệp định CPTPP?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục