Triển vọng kinh tế mong manh của Italy

11:03' - 18/12/2024
BNEWS Sự phục hồi tăng trưởng kinh tế của Italy sau đại dịch COVID-19 đang chậm lại nhanh hơn nhiều so với dự kiến.

Sự phục hồi tăng trưởng kinh tế của Italy sau đại dịch COVID-19 đang chậm lại nhanh hơn nhiều so với dự kiến, khi những điểm yếu về mặt cấu trúc tái xuất hiện, làm gia tăng rủi ro cho tình hình tài chính công mong manh của nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng euro (Eurozone).

 

Sau khi tăng trưởng kinh tế bất ngờ đình trệ trong quý III/2024, Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) cho biết trong tháng 12 rằng họ dự kiến nước này sẽ không có sự phục hồi nào trong ngắn hạn và dự báo mức tăng trưởng năm 2024 chỉ là 0,5%, bằng một nửa mục tiêu chính thức 1% của chính phủ.

Ước tính của ISTAT sẽ đưa Italy trở lại vị trí thường thấy trong số những nền kinh tế có thành tích yếu nhất của Eurozone và trái ngược với bức tranh lạc quan mà Thủ tướng Giorgia Meloni cũng như một số nhà kinh tế đưa ra chỉ vài tháng trước.

Dữ liệu kinh tế của Italy gần đây rất ảm đạm. Niềm tin kinh doanh ở mức thấp nhất kể từ năm 2021, cuộc khủng hoảng sản xuất kéo dài đang ngày càng trầm trọng hơn và lĩnh vực dịch vụ, vốn đã hỗ trợ nền kinh tế trong phần lớn thời gian của năm nay, hiện cũng đang suy giảm.

Ông Francesco Saraceno, giáo sư kinh tế tại trường ĐH Science Po của Paris và trường đại học LUISS của Rome, nói: "Mô hình kinh doanh của Italy bao gồm các công ty nhỏ không còn có lợi cho tăng trưởng nữa, nước này không có đủ đầu tư công và đang chống lại quá trình chuyển đổi xanh thay vì coi đó là cơ hội tăng trưởng".

Các nhà phân tích cho biết tình hình thậm chí còn đáng lo ngại hơn khi xét đến việc Italy đang liên tục nhận được hàng chục tỷ euro từ Brussels như một phần của Quỹ phục hồi hậu COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU). Tây Ban Nha, quốc gia chính khác cùng nhận được quỹ này, đang tăng trưởng nhanh gấp ít nhất 4 lần Italy.

Giáo sư Saraceno đánh giá sức bật của Italy trong giai đoạn 2021-2022 chủ yếu dựa trên các ưu đãi do nhà nước tài trợ cho lĩnh vực xây dựng – với chương trình gọi là "siêu tiền thưởng" - đã thúc đẩy sự gia tăng đầu tư, đã đảo ngược trong năm 2024 khi chương trình tốn kém này đã bị loại bỏ dần.

Italy là nền kinh tế có mức tăng trưởng thấp nhất trong Eurozone kể từ khi đồng tiền chung ra đời cách đây 25 năm và sự suy thoái mới nhất của nước này đe dọa làm chệch hướng tài chính công, vốn đã bị ảnh hưởng bởi chương trình “siêu tiền thưởng”.

Nợ công của Italy, theo tỷ lệ với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là lớn thứ hai trong Eurozone, được chính phủ dự báo sẽ tăng lên khoảng 138% GDP vào năm 2026 từ mức 135% GDP của năm 2023.

Nếu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Italy thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 1,2% của chính phủ, như hầu hết các nhà dự báo hiện cho rằng, thì tỷ lệ nợ đó có thể sẽ tăng nhanh hơn. Khi đó, các nhà đầu tư có thể sẽ miễn cưỡng mua trái phiếu của Italy hơn, làm tăng gánh nặng trả nợ của chính phủ.

Italy đã phải tuân thủ quy định của EU để cắt giảm thâm hụt ngân sách do vượt mức trần quy định trong 2 năm qua, xóa bỏ mọi hy vọng chi tiêu để tăng trưởng.

Điểm yếu của Italy hoàn toàn trái ngược với Tây Ban Nha, nơi GDP được dự báo sẽ tăng khoảng 3% trong năm nay. Trong năm qua, Tây Ban Nha đã tăng trưởng với tốc độ hàng quý từ 0,7% đến 0,9%, trong khi mức tăng trưởng tại Italy dao động trong khoảng từ 0 đến 0,3%.

Ông Angel Talavera, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Âu tại công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, cho biết thành công của Tây Ban Nha trong việc thu hút người di cư và đưa họ vào nền kinh tế của mình là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, cùng với sự bùng nổ du lịch và chi tiêu tiêu dùng vững chắc.

Số lượng người di cư ít hơn nhiều của Italy ít khi làm những công việc có tay nghề và thường bị giới hạn trong nền kinh tế phi chính thức.

Trong khi đó, hàng nghìn người Italy trẻ tuổi đang rời khỏi đất nước do thiếu những triển vọng nghề nghiệp hứa hẹn. Bản thân việc dân số giảm là nguồn gốc của sự suy yếu về kinh tế.

Ông Talavera nói: "Đây là những nền kinh tế khá khác nhau, Tây Ban Nha phụ thuộc rất nhiều vào dịch vụ và du lịch, trong khi Italy vẫn có một ngành sản xuất lớn ngày càng kém cạnh tranh và đóng vai trò là lực cản đối với sự tăng trưởng. Trong 20 năm qua, Tây Ban Nha dường như cũng đã làm tốt hơn trong việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và dịch vụ công".

Các nhà kinh tế đồng ý rằng danh sách chưa đầy đủ các khó khăn của Italy bao gồm đầu tư không đủ vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, bộ máy quan liêu ngột ngạt, các ngân hàng sợ rủi ro, thị trường chứng khoán kém phát triển và hệ thống tư pháp kém hiệu quả - tất cả các vấn đề này vẫn chưa được giải quyết trong nhiều năm.

Các nhà kinh tế học cũng có một mức độ đồng thuận về việc ưu tiên chính sách hàng đầu của Italy nên là gì để cải thiện tình trạng kinh tế. Các ông Roberto Perotti, giáo sư kinh tế tại Đại học Bocconi của Milan, Lorenzo Bini Smaghi, cựu thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu, Andrea Roventini, giáo sư kinh tế tại Đại học Sant'Anna của Pisa và Saraceno của Science Po đều cho biết trọng tâm nên là đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu.

Còn ông Lorenzo Codogno, giám đốc của LC Macro Advisors và là cựu kinh tế trưởng của Bộ Tài chính, cho rằng Italy nên tự do hóa hơn nữa thị trường lao động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục