Triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán được củng cố trong dài hạn

18:10' - 02/11/2023
BNEWS Triển vọng của thị trường nhờ động lực tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi tốt trong thời gian tới.

Giới phân tích nhận định, mặc dù rủi ro ngắn hạn của thị trường còn hiện hữu nhưng với mức chiết khấu định giá gần tương đương mức đáy trung hạn thời điểm tháng 11/2022 và đáy COVID-19, đây được xem là thời điểm tốt để các nhà đầu tư trung và dài hạn bắt đầu tích lũy cổ phiếu cho năm 2024.

Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng của thị trường cũng được củng cố trong dài hạn, nhờ động lực tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi tốt trong thời gian tới.

Tính đến hết ngày 31/10, trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) có 609 mã chứng khoán niêm yết và giao dịch; trong đó, gồm: 394 mã cổ phiếu, 3 mã chứng chỉ quỹ đóng, 14 mã chứng chỉ quỹ ETF và 198 mã chứng quyền có bảo đảm. Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 147,87 tỷ cổ phiếu.

Giá trị vốn hóa đạt hơn 4,14 triệu tỷ đồng, giảm 10,38% so với tháng trước, chiếm hơn 93,70% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 43,53% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành)

Thị trường chứng khoán đã có khoảng thời gian giao dịch kém sắc xuyên suốt trong tháng 10/2023, khi chỉ số VN-Index giảm gần 11%, kéo mọi nỗ lực tăng điểm trước đó trở về vạch xuất phát của đầu năm nay.

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.028,19 điểm, giảm 10,91% so với tháng 9, chỉ còn tăng 2,1% so với cuối năm 2022.

 

Các chỉ số chứng khoán chính khác cũng chịu sự điều chỉnh mạnh; trong đó, VNAllshare đạt 1.028,02 điểm, giảm 11,42% so với tháng 9 và tăng 5,91% so với cuối năm 2022; VN30 đạt 1.039,38 điểm, giảm 10,88% so với tháng 9 và tăng 3,4% so với cuối năm 2022.

Đáng chú ý, trong tháng 10, các chỉ số ngành đều ghi nhận giảm điểm; trong đó, giảm nhiều nhất là ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) giảm 20,22%; ngành năng lượng (VNENE) giảm 14,94% và ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (VNCONS) giảm 14,3%,...

Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 10 theo đó cũng ghi nhận sự điều chỉnh với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt hơn 625,89 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch bình quân phiên 14.285 tỷ đồng, lần lượt giảm 35,32% về khối lượng và giảm 38,68% về giá trị giao dịch bình quân phiên so với tháng 9/2023.

Riêng với sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW), giao dịch còn ghi nhận kém sắc hơn. Cụ thể, trong tháng 10/2023, thanh khoản của CW ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân phiên CW đạt khoảng 47,05 triệu CW, tương ứng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 31,6 tỷ đồng, giảm 15,45% về khối lượng bình quân và giảm tới 55,82% về giá trị giao dịch bình quân so với tháng 9/2023.

Việc thị trường điều chỉnh mạnh trong tháng 10 cũng khiến số lượng doanh nghiệp có vốn hóa lớn bị thu hẹp. Thống kê của HOSE cho thấy, tính đến hết tháng 10/2023, trên HOSE chỉ có 35 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD; trong đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã: VCB) là doanh nghiệp duy nhất có vốn hóa đạt gần 20 tỷ USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục