Triều cường lên đỉnh 14 và 15/1, ảnh hưởng đến đời sống người dân Bến Tre

14:06' - 13/01/2025
BNEWS Ngày 13/1, triều cường dâng cao gây ngập sâu ở khu vực hai huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Từ sáng, triều cường dâng cao, tràn vào nhà làm cho bà Nguyễn Thị Hứng (58 tuổi, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) trở tay không kịp, một số vật dụng bị ngập nước. Bà Hứng cho hay, năm nay nước dâng cao nhất từ xưa đến giờ. Nếu như năm trước, nước ngập chỉ quanh khu vực sân nhà, vườn cây. Năm nay nước cao hơn 30cm so với năm trước, tràn vào nền nhà. Theo bà Nguyễn Thị Hứng, lo nhất hiện nay là vườn dừa của gia đình bị ngập. Nếu như nước ngọt ngập vườn dừa sau khi thủy triều rút cây dừa ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hiện nay nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Do đó, vừa bị nhiễm mặn, vừa bị ngập úng cây dừa sẽ không có khả năng phục hồi do mặn ngấm vào đất. Bà Hứng chia sẻ, tình trạng nước ngập mỗi năm một tăng gây lo lắng cho người dân, sinh hoạt gặp nhiều trở ngại khi thời điểm Tết nguyên đán sắp đến, hơn nữa vườn cây trồng bị ảnh hưởng do ngập nước, người dân lo lắng về chất lượng, sản lượng cây sụt giảm sau khi bị ngập nước trong thời gian dài.

 

Lo ngại nước ngập ảnh hưởng đến gia đình, bà Nguyễn Thị Đào, (thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm) cho xây tường ngăn cao 30cm để ngăn nước. Tuy nhiên năm nay nước dâng cao qua khỏi tường. Bà Đào chia sẻ, năm nay bà xây tường cao hơn mực nước ngập năm trước. Tuy nhiên năm nay nước lại dâng cao hơn tường mới xây, nước ngập cả nền nhà, một số vật dụng gia đình bị ngập do chưa kịp kê cao chân. Bà mong muốn chính quyền địa phương có phương án xây dựng các công trình chống ngập để người dân an tâm sản xuất, sinh sống.

Theo ông Nguyễn Thái Bình, Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm, hiện đang là thời điểm hạn mặn ảnh hưởng đến người dân, huyện Giồng Trôm tập trung triển khai ứng phó hạn mặn. Tuy nhiên lo lắng nhất hiện nay người dân vừa phải ứng phó hạn mặn, vừa phải lo về ngập do triều cường. Triều cường gây ngập các vườn cây, kéo theo nước mặn thấm vào đất, tích tụ trong đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân sau này. Do đó, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các giải pháp phục hồi vườn cây sau khi bị ngập úng, bị ảnh hưởng nước mặn. Đồng thời, kêu gọi người dân, nếu có khả năng đắp đê cục bộ vừa ngăn mặn, vừa chống triều cường để giảm thiểu thiệt hại.

Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre Đặng Hoàng Lam, cho biết, mực nước đỉnh triều cao nhất hằng ngày trên các triền sông và kênh rạch trong Tỉnh lên nhanh từ ngày 13 đến ngày 14, xuống dần từ ngày 15 đến ngày 19/1. Mực nước đỉnh triều cao nhất trong đợt triều cường này xuất hiện vào ngày: 14/1 (ngày 15/12 Âm lịch) ở mức cao hơn báo động 3 là 4 cm đến 7cm.

Ông Đặng Hoàng Lam khuyến cáo, các địa phương cần có kế hoạch bảo vệ, kê cao đồ đạc và vật dụng thiết yếu, gia cố hệ thống đê bao, chủ động đối phó với tình hình ngập úng, sạt lở, xâm nhập mặn do triều cường kết hợp gió Đông Bắc và các tác nhân khác; đặc biệt là các khu vực trong đê bao nhưng cống mở, các khu vực nội vườn, nội đồng không có cống do chênh lệch giữa 2 đỉnh triều chiều và sáng với nước ròng (chân triều) đêm rất nhỏ gây nên hiện tượng nước lớn (lên) thời gian dài giữa 2 đỉnh triều; các khu vực trũng thấp, khu vực đê bao yếu - ngoài đê bao, khu vực các cồn, cù lao, vùng ven sông, rạch, ven biển.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục