Triều Tiên hồi đáp gì với gợi ý đàm phán của Mỹ?

20:45' - 04/07/2020
BNEWS Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cho biết Triều Tiên cảm thấy chưa cần tiến hành đàm phán trực tiếp với Mỹ vào thời điểm này.

Ngày 4/7, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cho biết Triều Tiên cảm thấy chưa cần tiến hành đàm phán trực tiếp với Mỹ vào thời điểm này, đồng thời cáo buộc Washington lợi dụng đối thoại giữa hai nước chỉ để làm "một công cụ phục vụ mục đích chính trị".

Phát biểu trên được đưa ra sau khi cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Tổng thống Donald Trump có thể gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông Bolton cho rằng một cuộc gặp như vậy có thể diễn ra như "một sự ngạc nhiên tháng 10", ngay trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố được Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) phát bằng tiếng Anh, bà Choe Son-hui nhấn mạnh sẽ là sai lầm nếu Mỹ vẫn nghĩ rằng "đàm phán vẫn có tác dụng" với Triều Tiên, đồng thời cho biết thêm rằng Bình Nhưỡng "đã vạch ra thời gian biểu chiến lược chi tiết để kiểm soát mối đe dọa lâu dài từ Mỹ".

Bà nhấn mạnh Triều Tiên "không cảm thấy cần phải ngồi đàm phán trực tiếp với Mỹ" vì Washington chỉ xem đối thoại với Bình Nhưỡng như "một công cụ để phục vụ mục đích chính trị".

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh gần đây đang có những dự đoán về một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều khác khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết sẽ thúc đẩy một cuộc gặp như vậy trước cuộc bầu cử Mỹ.

Trong một diễn biến mới nhất, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun dự định thăm Hàn Quốc và Nhật Bản vào tuần tới.

Ông Biegun có thể đi cùng ông Allison Hooker, quan chức Nhà Trắng cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á, thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp nhau 3 lần kể từ tháng 6/2018 nhằm tìm cách đạt thỏa thuận về việc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại các nhượng bộ của Mỹ.

Sau cuộc gặp đầu tiên ở Singapore, hai nhà lãnh đạo nhất trí hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, cải thiện quan hệ song phương và thiết lập một cơ chế hòa bình lâu dài.

Nhưng cuộc gặp thứ hai hồi tháng 2/2019 không đạt thỏa thuận chi tiết về việc này.

Hai nhà lãnh đạo đã gặp lại nhau 4 tháng sau tại biên giới liên Triều và nhất trí nối lại đối thoại cấp chuyên viên.

Cuộc đối thoại đó đã diễn ra tại Thụy Điển vào tháng 10, song vẫn chưa đạt tiến triển nào./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục