Trồng cây xanh vượt trên 20% so với năm 2021

15:12' - 30/12/2021
BNEWS Các địa phương quan tâm trồng cây xanh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán ở cả khu vực đô thị và nông thôn.

Ngày 30/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ thị về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Nhâm Dần và tăng cường bảo vệ, phát triển rừng năm 2022.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, trong năm 2021, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng. Những kết quả rất đáng khích lệ, thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát huy vai trò phòng hộ của rừng, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để chủ động tích cực chuẩn bị tổ chức tốt phong trào“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Nhâm Dần gắn với quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương tăng cường tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc tổ chức phát động “Tết trồng cây” thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, bảo đảm các quy định về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Các địa phương cần phấn đấu chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn ít nhất 20% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” đối với các tỉnh phía Bắc tiến hành vào đầu xuân năm mới, đối với các tỉnh phía Nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác (ngày 19/5), phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể.

Các địa phương quan tâm trồng cây xanh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, trồng mới rừng sản xuất, trồng cây xanh phân tán ở cả khu vực đô thị và nông thôn, tạo môi trường cảnh quan, góp phần xây dựng nông thôn mới xanh, sạch đẹp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025 theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.

Các địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW và các quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Các địa phương quản lý chặt chẽ diện tích quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của Luật Lâm nghiệp và vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, có tiêu cực, để xảy ra vi phạm.

Với diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích phải kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý vi phạm, thu hồi và buộc khắc phục hậu quả, trồng lại rừng theo quy định của pháp luật. Tập trung xử lý dứt điểm các diện tích rừng chồng lấn giữa các đơn vị và người dân.

UBND các tỉnh, thành phố cần kiểm tra, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thực hiện rà soát phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ; chỉ đạo lực lượng ứng trực 24/24 giờ, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong thời kỳ cao điểm cháy rừng.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng liên ngành tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và cháy rừng.  

Năm 2021, các địa phương trong cả nước đã trồng được 260 nghìn ha rừng trồng tập trung và 100 triệu cây phân tán./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục