Quý I/2022, Việt Nam sẽ có 100.000 ha cao su đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững

13:17' - 27/12/2021
BNEWS Với diện tích đạt chứng chỉ hiện có, 85.000 tấn cao su thiên nhiên và 300.000 tấn gỗ cao su có chứng nhận bền vững sẽ được khai thác và đưa vào sản xuất và thương mại.

Theo Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc tế PEFC khu vực Đông Nam Á (PEFC), đến nay 55.000 ha cao su của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) đã đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC và dự kiến đạt 100.000 ha vào quý I/2022. Với diện tích đạt chứng chỉ hiện có, 85.000 tấn cao su thiên nhiên và 300.000 tấn gỗ cao su có chứng nhận bền vững sẽ được khai thác và đưa vào sản xuất và thương mại.

Năm 2021 có thể coi là năm bản lề, với những bước ngoặt lớn đối với cao su thiên nhiên và gỗ cao su bền vững. Thành công này được xây dựng dựa trên nền tảng của các dự án thí điểm hỗ trợ cao su bền vững trên khắp Đông Nam Á và được chứng nhận theo chứng chỉ của Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc tế PEFC. Điều này được minh chứng bởi các kết quả từ thực tế là hàng chục chứng chỉ quản lý rừng bền vững mới được cấp cho các chủ rừng và chứng chỉ Chuỗi hành trình sản phẩm PEFC cho các công ty thu mua và nhà máy chế biến cao su thiên nhiên và gỗ cao su được chứng nhận.

Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc tế PEFC khu vực Đông Nam Á đã xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược để giúp ngành cao su bền vững đạt những kết quả trong thực tế. Những nỗ lực của PEFC được bắt nguồn từ thực tế 85% cao su thiên nhiên trên thế giới đến từ Đông Nam Á, với phần lớn sản lượng được sản xuất bởi hàng triệu cao su tiểu điền.

Theo Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc tế PEFC khu vực Đông Nam Á, chuỗi giá trị các sản phẩm từ cao su khá phức tạp và là thách thức với các nhà sản xuất quy mô nhỏ phải đối mặt. Do vậy, các nhà sản xuất cần áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững. Trong vài năm qua, PEFC đã thực hiện các dự án thí điểm để chứng nhận nhóm cho 1.500 cao su tiêu điền ở Thái Lan và dự kiến sẽ được cấp chứng chỉ vào quý I/2022; mở rộng chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm cho gỗ cao su ở Malaysia và đưa các nguồn cung cấp cao su mới được chứng nhận tại Việt Nam kết nối trực tuyến với đối tác mua tiềm năng. Những dự án này tạo tiền đề cho những thay đổi có tính bước ngoặt trong thời gian tới của ngành hàng cao su.

PEFC đã kết nối thị trường và tập trung nâng cao nhận thức về cao su bền vững cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị cao su thiên thiên và gỗ cao su. Từ phía thị trường tiêu thụ, PEFC kết nối và mời các chuyên gia từ những công ty tiên phong quốc tế như Weber & Schaer - một trong những công ty kinh doanh cao su thiên nhiên lớn nhất trên thế giới và Unilin - công ty hàng đầu toàn cầu về ván sàn gỗ cứng được làm chủ yếu từ gỗ cao su.

Weber & Schaer cho rằng, việc VRG đạt chứng nhận chứng nhận quản lý rừng bền vững sẽ giúp doanh nghiệp có thể mua được nguyên liệu có chứng nhận với khối lượng lớn. Đó là dấu hiệu quan trong cho thấy nhu cầu cao của thị trường đối với nguyên liệu cao su thân thiện với môi trường.

Các rừng cao su được quản lý bền vững góp phần giảm thiểu phát thải các-bon bằng cách giảm nạn phá rừng và cải thiện quản lý rừng. Cùng với đó là có thêm lợi ích từ việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch được sử dụng để sản xuất cao su tổng hợp.

Ngoài Tập đoàn Cao su Việt Nam, PEFC và các đối tác tại Việt Nam cũng đang tích cực hỗ trợ các nhóm hộ trồng rừng ở Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, Yên Bái với khoảng 6.000 ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục