Trồng hoa cảnh theo đơn đặt hàng

15:20' - 25/01/2019
BNEWS Hiện huyện Chợ Lách, Bến Tre tập trung phát triển các làng nghề trồng hoa sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm và phát triển tiềm năng du lịch của làng hoa.
Chăm sóc hoa phục vụ Tết. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Mỗi độ xuân về các nhà vườn trồng hoa kiểng tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) tất bật chuẩn bị hoa kiểng phục vụ thị trường Tết nguyên đán. Vùng đất Cái Mơn trồng hoa kiểng nơi đây được ví như vương quốc hoa kiểng của cả nước.

*Sản xuất theo đơn đặt hàng

Nếu như trước đây, người trồng hoa kiểng tại Chợ Lách phụ thuộc vào thị trường ngày Tết, trông chờ vào thương lái tìm đến mua và bán trực tiếp tại các chợ hoa xuân. Năm nay, nhà vườn sản xuất theo đơn đặt hàng của các thương lái.

Anh Nguyễn Văn Phước, xã Long Thới, huyện Chợ Lách cho biết, trước đây, người trồng hoa lo lắng về đầu ra nhưng hiện các sản phẩm hoa được đặt hàng. Vì vậy, gia đình chỉ chú tâm sản xuất để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Năm nay, gia đình sản xuất hơn 5.000 giỏ hoa cúc mâm xôi và hiện hơn 70% số lượng được thương lái đặt hàng. Mỗi năm, từ trồng hoa, gia đình anh thu lợi nhuận 150 - 200 triệu đồng.

Ngoài hoa, các loại cây kiểng như: mai, tắc (quất), kiểng thú… là sản phẩm được thương lái đặt hàng từ đầu vụ. Bởi đây là sản phẩm cần chăm sóc thời gian dài, thiết kế theo yêu cầu của khách hàng.

Theo anh Trần Văn Thi, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, 3.000 chậu mai vàng ghép của gia đình được thương lái đặt mua từ 3 tháng trước. Việc sản xuất theo đơn đặt hàng giúp nông dân chủ động trong khâu chăm sóc cây mai vàng ghép.

Tùy thị trường thương lái bán, gia đình sẽ chăm sóc để hoa ra đúng thời điểm dịp tết tại nơi bán. Nếu bán thị trường phía Bắc thời tiết lạnh, nhà vườn sẽ cho ra bông sớm mới vận chuyển đi, bởi nếu không sự thay đổi đột ngột môi trường cây mai vàng sẽ không ra hoa.

Ông Trần Minh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Chợ Lách cho biết, mỗi năm, nhà vườn trồng hoa kiểng tại địa phương cung ứng cho thị trường 10 - 11 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại như: Mai vàng, bông giấy, cúc, các loại hoa treo, kiểng lá.... Trước đây, khâu tiêu thụ sản phẩm chủ yếu chờ thương lái tự tìm đến mua hoặc đưa bán tại các chợ truyền thống.

Do vậy, đầu ra bấp bênh, nhiều loại sản phẩm sản xuất thừa, một số loại lại không có hàng để bán. Khi thương lái đảm bảo đầu ra, nhà vườn không phải tìm thị trường tiêu thụ như trước đây mà tập trung sản xuất, chăm sóc cây để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Nhà vườn chủ động tìm kiếm sản phẩm mới, đa dạng mẫu mã cung cấp theo nhu cầu thương lái đặt hàng, không sản xuất tràn lan như trước.

Riêng vụ hoa hoa kiểng phục vụ thị trường Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Bến Tre có khoảng 8.818 hộ nông dân ở hai huyện Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc sản xuất hơn 10,5 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, với tổng doanh thu ước tính hơn 912 tỷ đồng.

* Gắn với phát triển du lịch

Làng hoa nhộn nhịp chuẩn bị hoa cảnh phục vụ khách trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách, toàn huyện có 11 làng nghề trồng hoa kiểng với hơn 6.000 hộ, diện tích trên 650 ha. Đây là các làng nghề trồng hoa có từ lâu đời với diên tích sản xuất lớn phù hợp với phát triển du lịch.

Chị Nguyễn Thị Nga, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách tâm sự, gia đình chuyên về làm hoa treo, kiểng lá quanh năm, với hơn 30 chủng loại như: lan trái tim, son môi đỏ, đại phát tài, đại phát lộc…Giai đoạn đầu, hàng năm, chị bán ra thị trường hơn 20.000 sản phẩm.

Đến nay, mỗi năm hơn 500.000 sản phẩm được cung cấp ra thị trường, lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng mỗi năm. Vườn hoa kiểng của chị có nhiều khách tới tham quan và mua sản phẩm. Hiện chị mở rộng thêm vườn, dành lối đi để khách tham quan, đầu tư thêm nhiều sản phẩm. Việc khách hàng tới tham quan là kênh quảng bá sản phẩm. Nhiều du khách mỗi dịp xuân về tới với gia đình chị để mua sản phẩm hoa kiểng và tham quan cánh đồng hoa tại Chợ Lách.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, hiện nhà vườn Chợ Lách tập trung nâng chuỗi giá trị sản phẩm hoa kiểng, gắn với thị trường. Mỗi dịp xuân về, du khách nhất là bạn trẻ tới làng hoa Chợ Lách để ngắm cảnh và chụp ảnh. Các làng nghề trồng hoa của Chợ Lách có tiềm năng phát triển du lịch và lợi thế này cần được phát huy thời gian tới.

Bên cạnh việc sản xuất hoa cung cấp thị trường Tết, các sản phẩm khác như hoa treo, kiểng lá được nhà vườn làm quanh năm, do đó khả năng thu hút du lịch từ các làng nghề rất lớn. Hiện huyện Chợ Lách đầu tư hoàn chỉnh các hạ tầng cơ sở như: đường, đê bao thủy lợi hoàn chỉnh…

Huyện tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng các loại hoa kiểng mới nhằm cung cấp cho thị trường và đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách; xây dựng mô hình du lịch gia đình để nhà vườn trồng hoa kiểng áp dụng. 

Mặt khác, thời gian tới, huyện Chợ Lách đầu tư xây dựng làng văn hóa du lịch tại 4 xã Vĩnh Thành, Long Thới, Phú Sơn, Vĩnh Hòa, là những địa phương tập trung các làng nghề trồng hoa của huyện. Đồng thời, tập trung xây dựng các tour, tuyến du lịch, điểm dừng chân, các dịch vụ đi kèm để phục vụ du khách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục