Cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết

10:40' - 25/01/2019
BNEWS Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương,Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.
 

Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, với các yếu tố tích cực từ nền kinh tế cả nước đang khởi sắc, cùng với thu nhập từ lương, thưởng Tết tăng, sức mua trên thị trường sẽ tăng khá. Dự kiến sức mua sẽ tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường trong năm.

 Nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh tung ra thị trường sản phẩm mới chất lượng với mẫu mã bao bì bắt mắt.  Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường, ngay từ tháng 10 năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể và triển khai các hoạt động chuẩn bị hàng hóa, các chương trình phục vụ Tết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ với giá bình ổn nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.

Bên cạnh đó, để nắm tình hình thực tế triển khai việc chuẩn bị Tết tại các địa phương, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với một số Bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đoàn làm việc tại một số tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam,Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai....

Tại các địa phương, thực hiện Chỉ thị của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương cũng đã đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong việc triển khai kế hoạch Tết của địa phương.

Đến nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đã và đang tích cực triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán; trong đó, có nhiều địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường.

Đặc biệt, tiếp tục kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, hầu hết các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, giảm thiểu sử dụng vốn ngân sách.

Một số địa phương đã vận dụng linh hoạt nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện chương trình bình ổn thị trường không chỉ với hàng tiêu dùng trong dịp Tết mà còn với các hàng hóa vật tư nông nghiệp, thời gian cho vay tương đối dài để nâng cao hiệu quả bình ổn thị trường.

Tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trong các thời điểm trước, trong và sau Tết. Ảnh minh họa: TTXVN

Báo cáo của các địa phương cho thấy, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm. Lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước.

Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...

Năm nay, các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng cải thiện mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm hàng hóa phục vụ Tết. Hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong hàng hóa phục vụ Tết và chiếm 100% trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tại các địa phương.

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương cũng luôn quan tâm tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các Hội chợ, phiên chợ Tết, kết hợp chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp...

Ngoài ra, các địa phương cũng đã có kế hoạch đưa hàng hóa phục vụ bà con đón Tết tại các xã huyện vùng sâu, vùng xa, các xã đảo cách xa đất liền. Trong số này, Kiên Giang là địa phương luôn dành một phần ngân sách tỉnh để hỗ trợ chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đưa hàng ra các xã đảo và các xã vùng sâu, biên giới.

Các địa phương khác như: Đà Nẵng, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Nai... cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa hàng về phục vụ bà con tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn.

Với việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Chỉ thị của Bộ Công Thương, nguồn cung hàng hóa đã và đang được các địa phương chuẩn bị chu đáo cùng với kế hoạch triển khai nhiều chương trình phục vụ Tết.

Cùng với đó là các chương trình xúc tiến thương mại dịp cuối năm của các doanh nghiệp, hàng hóa phục vụ Tết sẽ đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người dân Việt Nam, thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

Đặc biệt, người dân ở mọi miền tổ quốc sẽ có đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm để đón Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, an toàn, tiết kiệm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục