Trồng rừng gỗ lớn ở Nam Trung bộ - Bài 2: Tháo gỡ rào cản

15:16' - 14/07/2021
BNEWS Trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, đòi hỏi phải có vốn, trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đã và đang tận dụng lợi thế sẵn có về mặt điều kiện tự nhiên, nhất là diện tích đất lâm nghiệp dồi dào để tập trung phát triển mạnh mô hình trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều trở ngại về nguồn giống cây, vốn đầu tư giai đoạn đầu, chế độ chính sách chung cho người trồng rừng…

Chỉ khi những “rào cản” sớm được giải quyết, những đề xuất, kiến nghị của chính doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia trồng rừng, của cơ quan chức năng được ghi nhận và có cơ hội ứng dụng vào thực tiễn sản xuất thì chủ trương trồng rừng gỗ lớn sẽ thật sự đem lại hiệu quả thiết thực hơn, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, đòi hỏi phải có vốn, trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Do đó, các doanh nghiệp và người dân vẫn còn tâm lý muốn trồng rừng gỗ nhỏ với chu kỳ ngắn 5-7 năm để có nguồn thu nhanh để trang trải cuộc sống và tái sản xuất.

Ngoài khó khăn trên, Phú Yên là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, thiên tai bão lũ dồn dập dẫn đến gia tăng khả năng mất trắng rừng. Vì thế, các chủ rừng thường có xu hướng khai thác rừng non để giảm thiểu thiệt hại.

Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến lâm sản ở tỉnh phát triển còn chậm, có khoảng gần 15 nhà máy chế biến gỗ chủ yếu là chế biến thô và công suất chưa cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cũng kiến nghị, Trung ương cần quan tâm bố trí vốn để triển khai chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; sớm xem xét phê duyệt các dự án từ nguồn vốn ODA nhằm tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, kỹ thuật để xây dựng các mô hình quản lý rừng trồng bền vững đối với tổ chức, cá nhân nhằm tăng giá trị gỗ rừng trồng.

Đồng thời tiếp tục xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh cây gỗ lớn đối với các loài cây khác có giá trị. Có như vậy mới có thể đầu tư phát triển bền vững ngành lâm nghiệp.

Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết, mưa bão cuối năm 2020 đã gây thiệt hại lớn đối với diện tích rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh. Thống kê có tới 600 ha bị ngã, đổ khiến tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn sụt giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 2.400 ha, đạt 57,4% kế hoạch. Đó là rủi ro thường gặp phải khi trồng rừng lâu năm.

Đồng quan điểm với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Ba Tơ, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ, trồng rừng gỗ lớn là một chủ trương đúng đắn của nhà nước. Nhưng, để bám trụ được với mô hình là cả câu chuyện dài. Khi tỉnh phê duyệt đề án, công ty đã mạnh dạn tiên phong tham gia.

Tuy nhiên, kết quả đem lại chưa đạt được như mong muốn khi có tới 40-50% diện tích rừng trồng gỗ lớn mà công ty đăng ký đã bị ngã, đổ trong cơn bão cuối năm 2020, đành phải chặt bỏ. Khi công ty đặt vấn đề mua bảo hiểm cho rừng trồng thì đều bị các ngân hàng từ chối thẳng, bởi họ chẳng dám “đặt cược” vào cuộc chơi đầy mạo hiểm như vậy.

Mặt khác, trong trường hợp mua được bảo hiểm thì chỉ có những doanh nghiệp lớn, mạnh về tài chính mới mua được vì giá có thể lên đến hàng tỷ đồng. Chỉ còn cách, phải trồng với diện tích lớn, khai thác theo kiểu “cuốn chiếu” để lấy ngắn nuôi dài.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho hay, một “bài toán” nan giải hiện nay là việc trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi phải có quỹ đất tập trung, nhưng hiện tại, quỹ đất của công ty ngày càng bị thu hẹp nên rất khó mở rộng diện tích.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, chính sách hỗ trợ phát triển, bảo vệ rừng hiện tại đối với các tổ chức đang áp dụng Quyết định 38/2016/QĐ - TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ chỉ bằng 50% đơn giá giao khoán cho các hộ tư nhân nên khó khăn về kinh phí, chính sách tiền công chi trả cho người lao động của các tổ chức.

Bàn về lý do tại sao người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không mấy mặn mà với việc phát triển rừng gỗ lớn, ông Tân bộc bạch, để trồng rừng gỗ lớn với các giống cây như sến, pơ mu, dẻ, kiềng kiềng… thì trong 5 năm đầu tốn nhiều chi phí đầu tư và phải đợi vài chục năm mới tính đến thu hoạch, nhưng các ngân hàng lại không tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, không có bảo hiểm rủi ro khi rừng bị cháy, thiên tai…, chưa kể những rủi ro khi rừng bị các đối tượng lâm tặc chặt phá, người dân lén đốt rừng để lấy đất sản xuất.

Ông Đặng Quang Thành, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa thông tin, đơn vị được giao quản lý bảo vệ gần 54.000 ha rừng, phần lớn trong số đó là rừng tự nhiên. Việc bảo vệ, phát triển rừng gặp vô vàn khó khăn vì chính sách, chế độ cho nhân viên thấp, lực lượng mỏng trong khi diện tích rừng lớn.

Bình quân một người phải quản lý khoảng 1.350 ha rừng nhưng mức thù lao được chi trả quá thấp, chỉ từ 3,5 triệu đồng/tháng cộng thêm mức tiền làm thêm ngoài giờ, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng hơn 1 triệu đồng.

Ông Thành dẫn chứng, trên địa bàn xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa có 400 ha rừng thường xuyên bị “lâm tặc” xâm lấn, chặt phá. Ban phải cắt cử 50% lực lượng bao gồm cán bộ, nhân viên túc trực, tuần tra tại khu vực này song chưa thể ngăn chặn triệt để.

Ông Thành đề xuất, ban quản lý sẽ hướng đến việc thí điểm giao 300 ha rừng cho người dân quản lý kết hợp với sản xuất nông-lâm-nghiệp để mang lại nguồn thu cho người dân. Vì hiện tại nếu áp dụng mức 300 nghìn đồng/ha/năm mà chỉ bảo vệ rừng thì người dân sẽ không nhận.

Một vấn đề đáng lưu ý nữa là về nguồn giống. Lấy ví dụ điển hình, tại Quảng Ngãi, mỗi năm, nhu cầu về giống của người dân lên tới con số 200 triệu cây. Tuy nhiên, các trung tâm, cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh chưa cung ứng được.

Chính vì thế, các chủ rừng buộc phải tìm mua giống ở các địa phương khác như Bình Định, Đồng Nai… về trồng dẫn tới chất lượng gỗ sau thu hoạch không đảm bảo tiêu chuẩn, sản lượng gỗ không cao.

“Đến lúc, người trồng rừng phải nghĩ đến việc trang bị cho mình kiến thức, phải “lận lưng” hồ sơ kiểm định giống đầu vào; phải đăng ký với Chi cục Kiểm lâm. Chi cục Kiểm lâm sẽ có nhiệm vụ kiểm tra cây mẹ và sau đó, nếu nhà vườn sản xuất ra được bao nhiêu giống từ cây mẹ đó thì tự công bố, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục