Trồng rừng gỗ lớn ở Nam Trung bộ - Bài 1: Hiệu quả “kép”

15:05' - 14/07/2021
BNEWS Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đã và đang tận dụng lợi thế sẵn có về mặt điều kiện tự nhiên và nhất là diện tích đất lâm nghiệp dồi dào để tập trung phát triển mạnh mô hình trồng rừng gỗ lớn.

Cùng với đó, các địa phương này có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ… tham gia khi nhận thấy, trồng rừng gỗ lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định cho người dân và góp phần quan trong trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. 

Bài 1: Hiệu quả “kép”

Vùng trung du và miền núi của 4 tỉnh Nam Trung bộ gồm: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho việc trồng rừng gỗ lớn;

Trong đó, với diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp rộng lớn cùng với tập quán trồng rừng (chủ yếu rừng keo) từ lâu đời trở thành lợi thế để các tỉnh Nam Trung bộ tiến hành trồng rừng gỗ lớn. Việc này góp phần tạo nên hiệu quả "kép" về phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường. 

Bình Định là một trong những địa phương có diện tích đất rừng tự nhiên, đất lâm nghiệp khá lớn. Từ lợi thế đó, UBND tỉnh quyết định phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035.

Qua đó đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn tập trung đạt 10.000 ha và đến năm 2035 đạt 30.000 ha.
Để đạt được kỳ vọng, Bình Định đã thu hút 3 công ty lâm nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn tham gia và tiến hành bàn giao 4.200 ha rừng (rừng trồng mới, rừng trồng lại sau khai thác và rừng chuyển hóa) cho các đơn vị này.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn cho biết, giai đoạn 2019-2030, UBND tỉnh phê duyệt cho công ty gần 820 ha trồng rừng gỗ lớn. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã cơ bản hoàn thành việc chuyển hóa rừng trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đạt hơn 200 ha và trồng mới 620 ha.
Thời gian tới, ngoài 3 công ty nêu trên, tỉnh Bình Định sẽ thu hút thêm các hộ gia đình tham gia vào mô hình trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích được phê duyệt khoảng 3.400ha.
Đối với tỉnh Phú Yên, địa phương này đã quy hoạch diện tích trồng rừng gỗ lớn hơn 3.500ha dựa trên đề án trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 đã được phê duyệt. Đề án này được thực hiện trên lâm phần của 5 Ban quản lý rừng phòng hộ, 2 Ban quản lý rừng đặc dụng và các doanh nghiệp lâm nghiệp được nhà nước giao, cho thuê rừng.
Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu Phú Yên chia sẻ, ban quản lý thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn từ năm 2017, chủ yếu theo hai hình thức là trồng mới ngay từ đầu và tỉa thưa diện tích rừng hiện có, nuôi dưỡng cây thành rừng gỗ lớn. Đến nay, diện tích rừng gỗ lớn đã tăng lên hơn 1.000ha.

Ngoài cây keo lai, ban quản lý còn lựa chọn một số loại giống mới có khả năng sinh trưởng cao, cho năng suất vượt trội. Thông qua việc đối chiếu với các khu rừng xung quanh, có thể khẳng định rằng, cây phát triển rất tốt, đạt chiều cao trung bình 2 mét và đường kính hơn 5cm chỉ sau 2 năm chăm sóc. 

Còn ở Quảng Ngãi, nơi đây có trên 334.000 ha đất có rừng, chiếm hơn 52% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh; trong đó diện tích rừng trồng rất lớn, hơn 190.000 ha, sản lượng gỗ hơn 4 triệu tấn/năm.
Từ năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2030. Địa điểm thực hiện bao gồm 10 huyện: Sơn Hà, Ba Tơ, Đức Phổ, Mộ Đức, Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tây. Theo đó, giai đoạn 2016-2020 Quảng Ngãi trồng 507ha và giai đoạn 2021-2030 trồng thêm 1.933ha.
Để hiện thực hóa dự án trồng rừng gỗ lớn, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND về việc quy định mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-UBND ngày 25/4/2019 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Theo tính toán của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, địa bàn tỉnh hiện có khoảng 168 xã có trồng rừng nguyên liệu, chỉ cần khuyến khích mỗi xã trồng, chuyển hóa khoảng 100ha thì toàn tỉnh đã có trên 16.000 ha rừng trồng gỗ lớn.

Đây là diện tích rất lớn mang lại giá trị kinh tế cao, phục vụ cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu sản phẩm lâm nghiệp của tỉnh nhà trong tương lai; góp phần tăng thu nhập, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái bền vững.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có trên 158.200 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên có trên 141.000 ha. Diện tích trồng rừng gỗ lớn chiếm tỷ lệ cao hơn rừng trồng gỗ nhỏ với hơn 9.100ha.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đánh giá, rừng trồng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với rừng gỗ nhỏ. Cùng với đó, chi phí đầu tư trồng rừng gỗ lớn cũng thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ bởi chỉ tốn chi phí bảo vệ rừng ở giai đoạn về sau thay vì phải tái đầu tư giống, công trồng, chăm sóc.
Cụ thể, khi khai thác cây keo lai ở năm thứ 6, người trồng chỉ thu về khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha. Còn khi khai thác ở năm thứ 10, tức là khi đã chuyển hóa sang rừng gỗ lớn, cây có đường kính trên 18 cm thì người trồng sẽ có thu nhập khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân trên 22 triệu đồng/ha/năm.
Trồng rừng gỗ lớn còn hạn chế việc doanh nghiệp thu mua ép giá, góp phần bảo đảm nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ; tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng; chống biến đổi khí hậu và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất; thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái.

Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho hay, ban quản lý có hơn 2 ha rừng keo lá tràm khoảng 10 năm tuổi nằm gần biển và các khu du lịch. Ban quản lý không tiến hành khai thác mà sẽ tính đến phương án cho doanh nghiệp thuê phục vụ hoạt động kinh doanh. Điều này giúp cho rừng được bảo vệ bền vững, đồng thời tạo môi trường sinh thái tốt hơn.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn khẳng định, công ty nhận thấy việc trồng rừng gỗ lớn có lượng tăng trưởng gỗ bình quân hàng năm từ 22 - 25 m3/ha. Đối với diện tích chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, công ty đã khai thác được năm đầu tiên và đánh giá năng suất tăng 25 - 30% so với rừng gỗ nhỏ.
Ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ, nếu trồng rừng gỗ lớn được xem như điều kiện cần thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn để được cấp giấy chứng nhận FSC (tổ chức phi lợi nhuận quốc tế có nhiệm vụ quản lý và kiểm soát việc khai thác rừng bền vững) là điều kiện đủ mà các tổ chức, cá nhân, đơn vị trồng và khai thác rừng cần phải hướng đến.

Bởi FSC chính là bằng chứng chứng minh trách nhiệm của doanh nghiệp với con người và xã hội; giúp bảo vệ môi trường và nguồn sinh thái một cách tốt nhất. Không những thế, việc có được FSC còn giúp giảm thiểu lãng phí các nguồn tài nguyên rừng một cách bền vững nhất.

Với những sản phẩm đã được gắn nhãn FSC sẽ có giá trên thị trường; sản phẩm có logo FSC thường có giá bán cao hơn từ 20-30% so với các sản phẩm thông thường.
Theo thống kê của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi, năm 2019, Quảng Ngãi xuất khẩu hơn 4 triệu tấn dăm gỗ đi các nước. Năm 2020, con số này có giảm, nhưng vẫn ở mốc khá cao, hơn 3,5 triệu tấn. Trong đó, nguồn nguyên liệu chế biến từ gỗ lớn chiếm hơn 10%...
Ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ba Tơ, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, gỗ lớn rất được doanh nghiệp thu mua và thị trường ưa chuộng, nhất là khi được cấp chứng chỉ FSC. Nguồn nguyên liệu gỗ lớn chủ yếu phục vụ cho hoạt động chế biến sâu, xuất khẩu đi châu Âu.
“Gỗ nhỏ chỉ được mua với giá 900.000- 920.000 đồng/tấn còn gỗ lớn có đường kính từ 15cm trở lên được mua với giá 1,1 triệu đồng/tấn ngay tại cửa rừng và 1,3 triệu đồng/tấn tại các nhà máy (bao gồm chi phí vận chuyển).

Nhiều công ty trên địa bàn tỉnh đã đặt hàng với chúng tôi thu mua khoảng 30.000 m3 gỗ lớn/tháng nhưng hiện tại nguồn cung chưa đáp ứng nổi. Điều đó, cho thấy nhu cầu của thị trường về nguồn nguyên liệu này là rất lớn”, ông Ninh giải thích.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND Phú Yên phấn khởi cho biết, tỉnh đang thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp bền vững theo định hướng của Chính phủ. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có gần 9.550ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Tỉnh cũng sẽ mở rộng đối tượng áp dụng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đưa tỷ lệ diện tích rừng được quản lý bền vững và được cấp chứng chỉ rừng FSC định hướng năm 2025 đạt 30% và năm 2030 đạt 50%./.
Bài 2: Tháo gỡ rào cản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục