Trung Quốc “bỏ” đơn đặt hàng 3.247 tấn thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ

18:00' - 17/05/2019
BNEWS Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 16/5 cho biết, các khách hàng Trung Quốc đã “bỏ” đơn đặt hàng 3.247 tấn thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ, đợt hủy đơn hàng lớn nhất trong hơn một năm.
Trung Quốc “bỏ” đơn đặt hàng 3.247 tấn thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ. Ảnh: reuters

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 16/5 cho biết trong tuần Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, các khách hàng Trung Quốc đã “bỏ” đơn đặt hàng 3.247 tấn thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ, đợt hủy đơn hàng lớn nhất trong hơn một năm.

Động thái trên diễn ra trong tuần kết thúc ngày 9/5 và là một đòn giáng Mỹ khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt lợn trị giá 6,5 tỷ USD của nước này.

Trước khi diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, Trung Quốc cùng Khu hành chính Đặc biệt Hong Kong là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của thịt lợn Mỹ.

Trong nhiều tháng, nông nghiệp Mỹ, một trong những lĩnh vực bị tác động nhiều nhất bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, trông chờ vào việc Trung Quốc tăng mua thịt lợn Mỹ do dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, cuộc chiến thương mại và thuế Trung Quốc áp lên thịt lợn Mỹ, đang cho thấy những dấu hiệu nước này sẵn sàng giảm lượng thịt lợn.

Theo USDA, đầu năm nay, Trung Quốc đã hủy đơn hàng 53 tấn thịt lợn trong tuần kết thúc ngày 28/2, đơn hàng 999 tấn khác trong tuần kết thúc ngày 21/3, và đơn hàng 214 tấn trong tuần kết thúc ngày 18/4.

Trong một thông tin liên quan, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa mới đây đã kêu gọi tăng sản lượng lợn hơi để tăng nguồn cung mặt hàng đang sụt giảm do dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Hồ Xuân Hoa, thịt lợn có “vai trò quan trọng không thể thay thế được” trong việc duy trì nền kinh tế và ổn định chính trị. Chính quyền các địa phương cần hành động để bình ổn và khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó, các hộ nông dân cần bổ sung nguồn cung, thúc đẩy mở rộng quy mô trang trại và thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt hơn trên thị trường để ngăn chặn “biến động bất thường” của giá.

Sản lượng gia cầm và các sản phẩm khác cũng cần được tăng lên để giúp bù đắp tình trạng thiếu hụt thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục