Trung Quốc cấp phép xuất khẩu cho 70 vùng trồng khoai lang Việt Nam

16:27' - 05/04/2023
BNEWS Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công nhận 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang.

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Cục đã nhận công hàm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo về kết quả kiểm tra trực tuyến doanh nghiệp khoai lang Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước này. Theo đó, có 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang đã được cấp phép.

Hiện nhiều diện tích khoai lang trong nước chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch chính. Việc Trung Quốc cấp phép xuất khẩu cho 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói Việt Nam sẽ là cú hích quan trọng, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường lớn tiềm năng.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ngày 9/11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và GACC ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với sản phẩm khoai lang xuất khẩu vào Trung Quốc.

Là cơ quan đầu mối về hướng dẫn thủ tục, kiểm dịch thực vật và đàm phán mở cửa thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ ngay sau khi nghị định thư được ký.

Cục đã phối hợp GACC để cùng chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho xuất khẩu; trong đó có nộp danh sách các hồ sơ về vùng trồng, cơ sở đóng gói khoai lang để phía bạn xem xét. Đồng thời, Cục đã họp bàn và lên kế hoạch kiểm tra trực tuyến với những đơn vị đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu sắp tới.

Cục Bảo vệ thực vật cũng đồng hành, hướng dẫn cơ quan chuyên môn tại địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức sản xuất sao cho bài bản, bền vững.

Ông Hoàng Trung cũng cho biết, trong đợt kiểm tra vừa qua của GACC, 10/23 cơ sở đóng gói không đạt. Tồn tại này cần được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất, để các chủ sở hữu cũng như đơn vị liên quan xác định rõ nguyên nhân và tìm cách khắc phục để hoàn thiện lại hồ sơ kỹ thuật.

“Nếu không đạt tiêu chuẩn, hàng hóa sẽ lập tức quay đầu. Ngoài ra, những cơ sở vi phạm có thể bị tạm ngừng xuất khẩu”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Trung, để một ngành hàng phát triển bền vững, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, người sản xuất cùng phải thấy được trách nhiệm của mình. Địa phương sẽ phải bố trí thêm nguồn lực, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật khi cùng tham gia vào khâu kiểm tra, giám sát.

Với doanh nghiệp, họ vừa phải hỗ trợ đối với các vùng trồng, hợp tác xã, người dân trong chuỗi, vừa đảm bảo hồ sơ, đăng ký đúng quy định của GACC. Doanh nghiệp cần xây dựng, hình thành những mối liên kết bền vững cả trong nước lẫn quốc tế, để tạo nhu cầu lâu dài, giúp người sản xuất yên tâm canh tác.

Với người sản xuất, việc chuẩn hóa không chỉ trên giấy mà cần cụ thể hóa bằng hành động thiết thực. Chẳng hạn như việc tách bạch giữa hàng hóa đã được đóng gói và hàng hóa mới được đưa về. Những việc làm dù nhỏ nhưng qua thời gian sẽ thay đổi đáng kể nhận thức của đại bộ phận người dân.

Cục Bảo vệ thực vật cũng chuẩn bị kỹ các phương án cho ngày container khoai lang đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc. Cục đã lập kế hoạch và cam kết sớm tổ chức những lớp tập huấn hướng dẫn về các điều kiện cụ thể cho mã số vùng trồng, cũng như một số yêu cầu kỹ thuật liên quan. Đối tượng tập huấn là chủ các mã số, cán bộ chuyên môn ở địa phương để tất cả cùng kiểm tra, giám sát để thực hiện đúng, đủ các yêu cầu kiểm dịch trước khi đưa hàng lên cửa khẩu.

“Bảo đảm các lô khoai lang tươi xuất sang Trung Quốc có đầy đủ chứng thư kiểm dịch thực vật, thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói, đồng thời đáp ứng về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt là không nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Hiện diện tích trồng khoai lang trên cả nước khoảng 100.000 ha, với tổng sản lượng từ 1,2 - 1,3 triệu tấn. Có thể thấy, Việt Nam rất dồi dào sản lượng để xuất khẩu đối với mặt hàng khoai lang./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục