Trung Quốc đại lục ghi nhận hơn 15.600 ca mắc mới COVID-19

10:50' - 29/04/2022
BNEWS Trung Quốc đại lục ngày 28/4 ghi nhận 15.688 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 10.029 ca bệnh không triệu chứng, 5.646 ca có triệu chứng và 13 ca nhập cảnh.

Ngày 29/4, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục ngày 28/4 ghi nhận 15.688 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 10.029 ca bệnh không triệu chứng, 5.646 ca có triệu chứng và 13 ca nhập cảnh.

 

Theo NHC, hiện có tổng cộng 197.213 bệnh nhân không triệu chứng đang được giám sát y tế chặt chẽ. Tính từ đầu dịch đến hết ngày 28/4, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 214.243 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.975 ca tử vong.

NHC cho biết thêm phần lớn số ca mắc mới được ghi nhận tại Thượng Hải, với 15.032 ca, tăng mạnh so với mức 10.662 ca hôm 27/4. Trung tâm tài chính này cũng báo cáo thêm 52 ca không qua khỏi chỉ riêng trong ngày 28/4.

Đây là lần đầu tiên thành phố 25 triệu dân ghi nhận số ca mắc mới gia tăng trong 6 ngày qua. Một tháng trở lại đây, cư dân Thượng Hải đang phải tuân thủ quy định phong tỏa phòng dịch chưa từng có và biện pháp này dự kiến sẽ còn tiếp tục được áp dụng trong thời gian tới. Trong khi đó, tại thủ đô Bắc Kinh, giới chức y tế cùng ngày ghi nhận 49 ca mắc mới.

Các thành phố trên khắp Trung Quốc đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc hàng loạt nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng cũng như nhằm tránh gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Tính đến ngày 28/4, khoảng 1,25 tỷ người tại Trung Quốc đại lục đã được tiêm đầy đủ các mũi cơ bản vaccine ngừa COVID-19, chiếm 88,62% dân số. Trong số này có 215 triệu người từ 60 tuổi trở lên, tương đương 81,44% dân số. Gần 160 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.

Cùng ngày, chính quyền thành phố Thượng Hải đã ban hành văn bản yêu cầu các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên trong suốt giai đoạn họ phải cách ly phòng dịch.

Theo đó, các doanh nghiệp không được phép chấm dứt hợp đồng lao động khi nhân viên đang trong thời gian cách ly, điều trị hoặc thực hiện các biện pháp giám sát y tế, hoặc không thể làm việc bình thường do các biện pháp khẩn cấp khác theo quy định.

Văn bản này cũng nêu rõ các doanh nghiệp có thể bố trí cho người lao động làm việc từ nhà hoặc tham vấn ý kiến của họ để sắp xếp thời gian nghỉ phép, bao gồm cả nghỉ phép hàng năm có trả lương.

Đối với các doanh nghiệp không đủ khả năng thanh toán lương tạm thời do đại dịch, việc chi trả có thể hoãn lại không quá một tháng sau khi tham vấn các tổ chức công đoàn hoặc đại diện của người lao động.

Văn bản trên cũng yêu cầu bộ phận nhân sự và các phòng ban khác đào tạo, trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; mở các kênh trực tuyến và ngoại tuyến để tiếp nhận các ý kiến đóng góp; đồng thời chú ý tới việc chăm lo và đảm bảo các chế độ cho lao động nhập cư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục