Trung Quốc: Hàng trăm doanh nghiệp niêm yết công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu

09:45' - 09/04/2025
BNEWS Tính đến ngày 8/4, có 174 công ty Trung Quốc niêm yết đã công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu hoặc tăng tỷ lệ sở hữu, tổng số tiền đã công bố hơn 10 tỷ NDT (1,38 tỷ USD).
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, tính đến ngày 8/4, có 174 công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu hoặc tăng tỷ lệ sở hữu, tổng số tiền đã công bố hơn 10 tỷ NDT (1,38 tỷ USD), nguồn vốn chủ yếu đến từ vốn tự có hoặc vốn huy động.

Hàng chục công ty cho biết sẽ “đẩy nhanh tiến độ mua lại cổ phiếu”, bao gồm 7 công ty thuộc hệ thống Tập đoàn China Merchants hoạt động trong lĩnh vực cảng biển, đường bộ, tàu thủy, cùng với các doanh nghiệp lớn như Sany Heavy Industry, GAC Group, China National Foreign Trade Transportation (Sinotrans), Liaoning Port, Wens Foodstuff và Fosun Pharma.

 
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước như PetroChina, Sinopec, Tập đoàn Năng lượng Quốc gia, Tập đoàn Than Trung Quốc, AVIC, Energy China... cũng công bố kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu, trong đó, CNOOC Group dự định trong 12 tháng tới sẽ tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu CNOOC tại cả sàn Thượng Hải và Hong Kong.

Doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường mua lại cổ phiếu là do chính phủ nước này ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về nguồn vốn vay. Theo đó, ngày 24/9/2024, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố sáng lập gói tái cấp vốn mua lại và tăng tỷ lệ cổ phiếu, hướng dẫn ngân hàng cấp vốn cho công ty niêm yết và cổ đông lớn.

Đến ngày 18/10/2024, ba cơ quan gồm Ngân hàng Trung ương, Ủy ban chứng khoán và Cục giám sát tài chính quốc gia ban hành thông báo tổng hạn mức vay giai đoạn đầu là 300 tỷ NDT (41,26 tỷ USD), lãi suất hàng năm 1,75%, thời hạn 1 năm. Tính đến ngày 7/4/2025, đã có 445 công ty công bố tổng hạn mức vay lên đến 83,92 tỷ NDT (11,54 tỷ USD).

Việc doanh nghiệp Trung Quốc mua lại cổ phiếu và tăng tỷ lệ sở hữu là nhằm ổn định thị trường chứng khoán và ứng phó với khủng hoảng tài chính do cuộc chiến thuế quan của Mỹ gây ra. Trước đó, Mỹ công bố áp dụng thuế đối ứng đã gây ra cú sốc trên thị trường tài chính toàn cầu, khiến 3.038 cổ phiếu trên sàn A-Share rơi vào trạng thái sàn, và nhóm “quốc gia” đã phải can thiệp.

Công ty đầu tư thuộc Tập đoàn China Reform Holdings (Guoxin Investment) sử dụng nguồn vốn từ gói vay tái cấp vốn chuyên biệt để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu các doanh nghiệp trung ương, cổ phiếu đổi mới công nghệ và ETF, với khoản đầu tiên lên tới 80 tỷ NDT(11 tỷ USD).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục