Trung Quốc phát tín hiệu thay đổi chính sách tiền tệ?

06:30' - 12/09/2019
BNEWS Động thái mới của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc không đơn giản là bơm tiền ra thị trường, mà có thể là chỉ dấu về sự thay đổi chính sách tiền tệ để cứu nền kinh tế.
Đồng tiền giấy mệnh giá 100 NDT tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 6/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) thông báo quyết định cắt giảm 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với tất cả các ngân hàng trong nước. Riêng với các ngân hàng thương mại đô thị đáp ứng các quy định đề ra, thì tỷ lệ này sẽ được cắt giảm 100 điểm cơ bản.
Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, đây là lần cắt giảm RRR lần thứ ba trong năm 2019 và là lần thứ bảy tính từ đầu năm 2018 của PBoC. Lần cắt giảm này vừa mang tính toàn diện (đối tới tất cả các ngân hàng thương mại), vừa mang tính định hướng (đối với các ngân hàng thương mại đô thị đáp ứng điều kiện). 
Nếu xem xét ở khía cạnh toàn diện, lần cắt giảm RRR này không kèm theo bất cứ điều kiện nào như tiến hành đánh giá an toàn vĩ mô (MPA) hay bất cứ công cụ chính sách nào như cho vay trung hạn 1 năm (MLF), tương tự như lần cắt giảm RRR của PBoC là vào tháng 3/2016. Vậy đâu là nguyên nhân?
Nhà nghiên cứu Trương Vĩnh Quân thuộc Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc cho rằng Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế tương đối lớn. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày một nghiêm trọng. Tình hình ngoại thương dự kiến không lạc quan, khiến lượng tiền dành cho đầu tư cơ sở đến từ thặng dư thương mại giảm xuống. Cùng với đó là làn sóng giảm lãi suất trên toàn cầu. Trong tình hình này, Trung Quốc cũng cần điều chỉnh chính sách để phù hợp với bối cảnh lớn.
Trên thực tế, trước khi PBoC đưa ra quyết định cắt giảm RRR, Thường trực Chính phủ Trung Quốc đã nhóm họp, yêu cầu đẩy mạnh mức độ điều tiết trong chu kỳ chuyển đổi, phát huy vai trò của công cụ chính sách tài chính và tiền tệ để ổn định kinh tế. 
Vì thế, có nhà phân tích cho rằng quan điểm cơ bản về chính sách tiền tệ của Trung Quốc là căn cứ vào tình hình kinh tế trong, ngoài nước và tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung để đưa ra những điều chỉnh tương ứng. 
Vấn đề được quan tâm hiện nay là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, các nền kinh tế chủ chốt lần lượt giảm lãi suất, thậm chí thực hiện biện pháp nới lỏng cấp tiến như áp dụng chính sách lãi suất âm, động thái nêu trên của PBoC có phải là chỉ dấu về sự thay đổi chính sách tiền tệ của Trung Quốc hay không?
Trong tuyên bố đưa ra cùng với quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hôm 6/9, PBoC nhấn mạnh lần giảm RRR không phải là “xả nước ồ ạt” mà chính sách tiền tệ thận trọng, ổn định vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc, rõ ràng đề cập tới việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng như giảm lãi suất. Do vậy, quyết định hôm 6/9 của PBoC có thể ngầm phát đi tín hiệu điều chỉnh chính sách tiền tệ từ thận trọng, ổn định sang nới lỏng.
Với quyết định giảm RRR, PBoC giúp giảm áp lực nợ của các ngân hàng thương mại, từ đó giúp hạ chi phí vay vốn của các thực thể kinh tế. Ý đồ hỗ trợ tín dụng nhất là đối với các các ngân hàng thương mại ở thành phố và doanh nghiệp dân doanh quy mô nhỏ của PBoC là khá rõ. Dự kiến, trong tương lai, PBoC vẫn còn dư địa để cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, theo đó sẽ tiến hành điều chỉnh nhiều hơn trên phương diện chính sách lãi suất để giảm mặt bằng lãi suất thực tế.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Trương Tuấn thuộc Morgan Stanley, trong tương lai, PBoC một mặt giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung hạn để dẫn dắt lãi suất cơ bản đi xuống nhằm giảm chi phí huy động vốn. Mặt khác, nếu áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế quý IV/2019 tương đối lớn, không loại trừ khả năng PBoC sẽ giảm lãi suất toàn diện, hạ lãi suất cơ bản. Việc này có lợi cho ổn định kỳ vọng của thị trường, chấn hưng tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trương Vĩnh Quân, khả năng PBoC giảm lãi suất trong ngắn hạn không lớn. Nguyên nhân là do hiện nay Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tương đối cao, đồng NDT đối mặt với áp lực hạ giá. Do vậy, nếu xem xét ở khía cạnh thời cơ, đây không phải là thời điểm tốt để hạ lãi suất. 
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc của Ngân hàng Deutsche Bank Chu Hạo cũng cho rằng PBoC quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc không có nghĩa chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng hơn nữa. Trên thực tế, Trung Quốc gần đây ra sức thu hẹp dòng vốn rót vào bất động sản. 
Cho nên, lần cắt giảm RRR này vẫn thuộc về điều chỉnh kết cấu, nhằm làm giảm chi phí huy động vốn của ngành chế tạo. Đồng thời, xuất phát từ lo ngại bong bóng bất động sản, PBoC sẽ tiếp tục thắt chặt thanh khoản trong lĩnh vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục