Trung Quốc "qua mặt" Đức trong lĩnh vực xe điện

05:30' - 09/08/2023
BNEWS Chi phí cao, nhu cầu giảm, cạnh tranh gay gắt là những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô của Đức đang chịu áp lực ngày càng lớn.

Chi phí cao, nhu cầu giảm, cạnh tranh gay gắt là những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô của Đức đang chịu áp lực ngày càng lớn. Và tại thị trường "béo bở" Trung Quốc, rắc rối đang rình rập.

Cảm giác khủng hoảng đang lan rộng trong nền kinh tế Đức khi số đơn đặt hàng ngày càng giảm và sức mua của người tiêu dùng suy yếu trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Ngoài việc phải đối mặt với những “cơn gió ngược”, ngành công nghiệp ô tô vốn là niềm tự hào của Đức lại càng khó khăn hơn do các vấn đề cơ cấu ngày càng gia tăng. Quá trình chuyển đổi sang phương tiện chạy bằng điện và xe tự hành đang gây ra chi phí cao hơn, trong khi các khoản tiền cần thiết, chủ yếu vẫn đến từ việc bán xe động cơ đốt trong, ngày càng không bền vững.

Các số liệu thống kê của ngành chế tạo ô tô trong nửa đầu năm 2023 đều làm hài lòng những “ông lớn” như Volkswagen (VW), Mercedes Benz và BMW. Tất cả đều báo cáo doanh thu tăng và lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, triển vọng của những hãng ngày trong năm tới đã không đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư và cổ đông khi lạm phát và lãi suất tăng đang tác động làm giảm nhu cầu trong khi các dòng xe mới ngày càng ít nhu cầu hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức Hildegard Müller cảnh báo: “Ngay cả khi chúng ta thấy sản lượng tăng lên, thì đây không phải là dấu hiệu an tâm”. Cho đến nay, doanh số bán ô tô của Đức vẫn thấp hơn 20% so với mức trước đại dịch vào năm 2019. Các đơn đặt hàng ô tô ở Đức đang giảm, đặc biệt là đối với các loại xe chạy bằng pin, với nhu cầu giảm xuống chỉ còn khoảng 60% số lượng.

 * Thị trường xe điện Trung Quốc bùng nổ

Trong khi đó, thị trường ô tô lớn nhất và quan trọng nhất thế giới - Trung Quốc, đang phát triển nhanh chóng lĩnh vực ô tô điện, khẳng định vị trí dẫn đầu không chỉ về số lượng đăng ký mới mà còn về sản lượng. Quý I/2023, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, chủ yếu nhờ nhu cầu xe điện và đơn hàng vận chuyển sang Nga tăng.

Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, xuất khẩu ô tô của nước này trong 3 tháng đầu năm nay đã tăng 58% so với cùng kỳ năm trước lên 1,07 triệu chiếc. Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cho biết nước này xuất khẩu 950.000 xe trong 3 tháng đầu năm 2023, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tiếp tục tăng trong quý II/2023 và được dự báo tăng 30% trong cả năm nay lên 4 triệu xe.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang đạt được tiến bộ công nghệ nhanh chóng để bắt kịp nhanh chóng với tập đoàn xe điện hàng đầu của Mỹ - Tesla. Người mua ô tô Trung Quốc, từ tầng lớp trung lưu cũng như tầng lớp có thu nhập cao, đang ngày càng ưa chuộng các thương hiệu nội địa. Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc BYD đã bán được lượng xe điện nhiều hơn 29% so với Tesla trong nửa đầu năm nay.

Trong khi đó, thành viên hội đồng quản trị của hãng VW tại Trung Quốc, mới đây đã phát biểu trước báo giới rằng: “Tình trạng gián đoạn đang xảy ra tại thị trường này”, ông buộc phải thừa nhận rằng BYD đã bán chạy hơn VW trong quý I/2022 tại Trung Quốc. Số lượng giao hàng xe điện của BYD cho khách hàng ở Trung Quốc nhiều hơn gần 20 lần so với VW.

Để bắt kịp làn sóng xe điện đang tăng nhanh của Trung Quốc, VW đã thông báo hợp tác với nhà sản xuất ô tô Xpeng trong các lĩnh vực xe điện, phần mềm và xe lái tự động. Đối với VW, việc hợp tác này với công ty khởi nghiệp của Trung Quốc có trị giá 700 triệu USD, nhằm đưa ra hai mẫu xe điện của VW đến thị trường Trung Quốc vào năm 2026.

* Các tính năng kỹ thuật số - “con Át chủ bài”

Cho đến nay, các dòng xe do Trung Quốc sản xuất đang trở nên phổ biến, đặc biệt là nhờ các tính năng kỹ thuật số. Theo khảo sát, những yếu tố như sự thoải mái và chất lượng, đã được khách hàng đánh giá là gần giống hoặc thậm chí tốt hơn một chút so với các nhà sản xuất ô tô lâu đời.

Gregor Sebastian, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Merics, cho biết: “Ngành công nghiệp ô tô của Đức có thể sẽ không còn đóng vai trò thống trị trong lĩnh vực ô tô của Trung Quốc như trong 20 năm qua”. Đối với khách hàng Trung Quốc, công nghệ đang thay thế các đặc tính truyền thống như một lý do khác để mua hàng.

* Top 10 xe bán chạy không có hãng xe Đức

Không có gì ngạc nhiên khi 80% tất cả các loại xe chạy bằng pin ở Trung Quốc hiện nay đều đến từ các nhà sản xuất trong nước. Trong số 10 hãng xe bán chạy nhất chỉ có Tesla được xếp hạng cao, còn các thương hiệu Đức không có bất kỳ cái tên nào được lọt vào danh sách.

Trong báo cáo triển vọng ô tô toàn cầu năm 2023, chuyên gia tư vấn AlixPartners cho biết liên quan đến  thị trường ô tô nói chung của Trung Quốc, trong đó bao gồm cả xe động cơ đốt trong, các thương hiệu Trung Quốc lần đầu tiên bán chạy hơn các thương hiệu nước ngoài trong năm nay, với thị phần 51%. Tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng lên 65% vào năm 2030.

 

* Trung Quốc trên đường trở thành một "siêu cường ô tô"

Tại châu Âu, báo cáo dự đoán rằng doanh số bán ô tô sẽ vẫn thấp hơn khoảng 15% so với mức trước đại dịch. Đây có thể là một triển vọng dài hạn. Các nhà sản xuất ô tô châu Âu cũng sẽ ngày càng bị áp lực bởi các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tại thị trường nội địa của họ.

Không có gì ngạc nhiên khi trong quý đầu tiên của năm 2023, Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản trở thành nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới trong khi năm 2020, Trung Quốc vẫn ở vị trí thứ sáu. Quốc gia châu Á này đang phát triển với tư cách là một thị trường bán hàng, một nhà xuất khẩu và một địa điểm sản xuất.

Fabian Piontek, chuyên gia ô tô của AlixPartners, phát biểu với tổ hợp truyền thông DW của Đức rằng: “Trung Quốc đang trên đường trở thành một siêu cường ô tô”. Các nhà sản xuất châu Âu đang ngày càng tự nhận thấy phải bảo vệ thị phần trên sân nhà. Ông kết luận: “Kỷ nguyên lợi nhuận kỷ lục của các nhà sản xuất ô tô Đức sắp kết thúc”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục