Trung Quốc thực hiện "cuộc cách mạng xanh" với hệ thống xe buýt

09:26' - 03/11/2023
BNEWS Nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn hệ thống xe buýt xanh trước năm 2025 trong khi ở các thành phố khác diễn ra chậm hơn do mạng lưới điện và cơ sở hạ tầng trạm sạc.

Năm 2017, thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc đã trở thành phố đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% xe buýt chạy bằng điện, thay thế các xe buýt chạy bằng dầu diesel. Từ đó đến nay, nhiều thành phố khác của nước này cũng đã chuyển đổi theo hướng thân thiện với môi trường như vậy.

 

Theo hãng tin AFP (Pháp), hệ thống xe buýt tại 10 thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc cũng như thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chết Giang, hiện cũng chạy hoàn toàn bằng điện. Trong khi đó, hơn 90% hệ thống xe buýt tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đang thực hiện "cuộc cách mạng xanh" tương tự.

Nhiều thành phố đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn hệ thống xe buýt trước năm 2025. Bước tiến này tại các thành phố nhỏ hơn diễn ra chậm hơn do mạng lưới điện và cơ sở hạ tầng trạm sạc cũng như các vấn đề về bảo trì kém phát triển hơn.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), điện khí hóa là một trong những chiến lược quan trọng nhất để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050. Việc sử dụng xe buýt điện thay thế xe buýt chạy bằng diesel phát thải nhiều carbon sẽ góp phần giảm khoảng 5% trong tổng lượng khí thải của ngành giao thông.

Hội đồng Quốc tế về Giao thông sạch (ICCT) cho biết Trung Quốc chiếm tới 90% tổng số xe buýt và xe tải điện của thế giới năm 2021.

Chuyên gia xe điện Elliot Richards nhận định việc chuyển đổi từ xe chạy bằng diesel sang xe điện không chỉ diễn ra một sớm một chiều. Để thực hiện được tiến trình đó phải mất nhiều năm lập kế hoạch đi đôi với hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ liên quan đến hạ tầng. Dù vậy, "cuộc cách mạng xanh" này đã tạo ra sự khác biệt lớn về mặt nhận thức toàn cầu.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn xe buýt Thâm Quyến (SZBG) Ethan Ma cho biết khi mới triển khai dịch vụ xe buýt điện, tập đoàn này đã phải giải quyết vấn đề từng bước một. Giờ đây, SZBG có thể khẳng định hiệu quả kỹ thuật của xe buýt điện hiện tương đương với xe buýt diesel trước đây.

Ngoài ra, còn có những lợi ích khác rõ ràng hơn. Đơn cử như đối với một đô thị lớn có các đại lộ từ 4 đến 5 làn xe đan xen, tiếng ồn giao thông đã giảm đáng kể. 

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) về SZBG - nhà điều hành vận tải công cộng lớn nhất Thâm Quyến, trong suốt thời gian vận hành, lượng khí thải từ xe buýt điện chỉ tương đương 52% lượng khí thải của một xe buýt chạy bằng dầu diesel. Nghiên cứu cũng nhận thấy rằng việc chuyển đổi sang phương tiện chạy bằng điện này đã giúp loại bỏ được 194.000 tấn carbon dioxide (CO2) mỗi năm.   

Giám đốc điều hành Tu Le của công ty tư vấn Sino Auto Insights có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết ô nhiễm tại các thành phố của Trung Quốc là yếu tố chính thúc đẩy chính quyền trung ương ưu tiên và quyết tâm chuyển đổi phương tiện công cộng theo hướng thân tiện với môi trường.

Sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của chính phủ và việc hợp tác chặt chẽ với nhà sản xuất ô tô BYD - khi đó còn non trẻ, song giờ đây trở thành "gã khổng lồ" trong lĩnh vực xe điện toàn cầu - đã đóng góp lớn vào thành công tại Thâm Quyến.

Theo chuyên gia xe điện Richards, con đường hướng tới một tương lai không phát thải carbon sẽ là trọng tâm thảo luận của Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), vào cuối tháng 11 tới.

Tuy nhiên, cho đến nay, hạn chế về ngân sách và quy hoạch, cũng như những khó khăn trong việc tái cơ cấu cơ sở hạ tầng ở các thành phố lâu đời hơn đang là rào cản lớn đối với các quốc gia khác trên thế giới để có thể học hỏi và áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục