Trước 27/7, Hà Nội cải tạo, xây mới gần 7.300 nhà cho người có công

20:03' - 08/02/2017
BNEWS Từ nay đến ngày 27/7 (kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7), thành phố Hà Nội sẽ triển khai một loạt các hoạt động chăm sóc cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Ngày 8/2, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Từ nay đến ngày 27/7 (kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7), thành phố Hà Nội sẽ triển khai một loạt các hoạt động chăm sóc cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Trong đó nổi bật là chương trình cải tạo, xây mới gần 7.300 nhà cho người có công và sẽ hoàn thành trước ngày 27/7.

Cụ thể, sau khi rà soát, tính đến 30/9/2016, toàn thành phố Hà Nội còn 7.298 hộ chính sách chưa được hỗ trợ cải tạo, xây mới nhà, bao gồm: 3.520 hộ thuộc diện được hỗ trợ xây mới nhà ở, 3.778 hộ thuộc diện được hỗ trợ sửa chữa nhà ở.

Đối với những trường hợp phát sinh mới ngoài danh sách này, thành phố giao cho UBND các quận, huyện, thị xã chủ động bố trí kinh phí thực hiện bằng nguồn ngân sách địa phương và nguồn kinh phí vận động xã hội hóa.

Điều kiện để được hỗ trợ là các gia đình chính sách đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng với các mức: phải phá dỡ để xây mới nhà ở được hỗ trợ 70 triệu đồng/hộ; phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở được hỗ trợ 35 triệu đồng/hộ.

Tổng số kinh phí để thực hiện hỗ trợ 7.298 hộ nói trên là hơn 370 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, để hoàn thành mục tiêu cải tạo, xây mới gần 7.300 nhà cho người có công đúng tiến độ đề ra, hiện tại thành phố Hà Nội đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa là 104 tỷ đồng.

Số kinh phí còn lại thành phố đã chủ động ứng trước và phân bổ cho các địa phương theo kế hoạch.

Từ nhiều năm nay, ngoài việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, thành phố Hà Nội còn có nhiều chính sách đặc thù, sáng tạo, đi đầu trong cả nước về thực hiện chính sách cho người có công.

Tiêu biểu là việc Hà Nội khởi nguồn thực hiện công tác điều dưỡng cho người có công với cách mạng đến nay được hơn 20 năm.

Từ năm 2012, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện giảm thời gian điều dưỡng cho người có công từ 5 năm/1 lần xuống 2 năm/1 lần bằng ngân sách thành phố. Hà Nội cũng thực hiện trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong không còn khả năng lao động, sống cô đơn và người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, thay vì trợ cấp một lần như trước đây. Thành phố cũng đồng thời hỗ trợ hàng chục nghìn người có công đi lại thuận tiện bằng cách mua thẻ xe buýt miễn phí ở các tuyến đường được trợ giá...

Năm 2016, Hà Nội đã khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Đây là đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên trong cả nước về lĩnh vực nuôi dưỡng và tẩy độc, đồng thời là nơi có khả năng nuôi dưỡng thường xuyên cho 150 người nhiễm chất độc hóa học không thể tự phục vụ.

Trung bình mỗi năm, Trung tâm thực hiện quy trình điều trị giải độc cơ thể cho 500 người nhiễm chất độc hóa học.

“Mới đây, Trung tâm đã đề xuất và trình Bộ Y tế xem xét, phê duyệt quy trình tẩy độc để áp dụng thống nhất trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tại Trung tâm”, ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục