Truy xuất nguồn gốc: Chìa khoá bảo vệ người tiêu dùng trước nạn hàng giả

18:51' - 28/05/2025
BNEWS Truy xuất nguồn gốc hàng hóa đóng vai trò then chốt trong minh bạch hóa thông tin và bảo vệ người tiêu dùng, giữ gìn uy tín cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái len lỏi khắp các lĩnh vực từ thực phẩm, dược phẩm đến hàng tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc đóng vai trò then chốt trong minh bạch hóa thông tin và bảo vệ người tiêu dùng, giữ gìn uy tín cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Đây là công cụ quan trọng để nhận diện, ngăn chặn và xử lý tận gốc hành vi gian lận thương mại, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh

 

Nhận định từ các chuyên gia, dù đã có nhiều giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bằng tem chống hàng giả, mã vạch, mã QR… nhưng vấn nạn hàng giả ngày càng tinh vi, có hệ thống và quy mô lớn. Đáng lưu ý, hàng giả không dừng lại ở việc sao chép mẫu mã, mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất. Do đó, những phương pháp truyền thống (tem nhãn, mã vạch đơn thuần) không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi, đang bộc lộ nhiều bất cập.

Ông Phạm Văn Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) cho biết: Ứng dụng công nghệ số vào hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn khi hội nhập, xuất khẩu.

Đối với Việt Nam, để các sản phẩm hàng hóa giữ vững được vị thế và phát triển thêm thị trường mới, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc có vai trò rất quan trọng. Vì thế, doanh nghiệp phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ thị trường, đưa đến tay người tiêu dùng hàng của mình thì người tiêu dùng mới không quay lưng lại với sản phẩm.

Chia sẻ từ ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc chi nhánh miền Bắc của Công ty Yến Sào Khánh Hòa, thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm yến của thương hiệu Yến Sào Khánh Hòa bị làm giả. Sản phẩm giả quét mã QR sẽ không ra thông tin, trên bao bì thể hiện địa điểm sản xuất nhưng cơ quan chức năng vào kiểm tra chỉ là nơi gia công.

Không những vậy, đối tượng làm giả sản xuất hàng loạt, chỉ khi bán ra thị trường mới dán nhãn các thương hiệu vào để lách xử phạt nặng từ cơ quan chức năng. Chưa kể, các sản phẩm yến làm giả quảng cáo hàm lượng yến lên tới 70%, trong khi thực tế kiểm nghiệm chỉ 0,01%. Cùng đó, những giải pháp xây dựng thương hiệu quốc gia cho yến sào Việt Nam, hoàn thiện khung pháp lý, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để phát triển ngành yến sào...

Bà Trần Kim Nga - Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam chia sẻ: Để tham gia vào hệ thống MM Mega Market, hàng hóa luôn phải qua khâu kiểm duyệt rất chặt chẽ thông qua bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm. Các mặt hàng tươi sống được sản xuất theo quy chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.

Hơn nữa, thông tin sản phẩm cũng được đảm bảo minh bạch bởi sản phẩm thương hiệu We are fresh của MM Mega Market có mã QR trên mỗi bao bì, khách hàng có thể dùng điện thoại thông minh scan mã để thấy được thông tin sản phẩm. Vì vậy, từ bó rau được bày bán trong siêu thị, khách hàng có thể biết do trang trại nào trồng, thu hoạch và đóng gói ngày nào.

Đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho hay: Luật Bảo vệ quyền lợi người dùng năm 2023 đã quy định đơn vị kinh doanh phải có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng thông tin cũng như đánh giá của người tiêu dùng với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hay tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đặc biệt, khi một tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng một bên thứ ba để cung cấp thông tin bên thứ ba cũng phải chịu trách nhiệm liên quan đến hoạt động cung cấp thông tin này.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua Bộ đã phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan thường xuyên rà soát các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã phối hợp với Cục, Vụ liên quan xây dựng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương tại địa chỉ https://votas.vn/. Hệ thống truy xuất nguồn gốc bảo đảm kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, cơ sở dữ liệu, ứng dụng cập nhật thông tin sản phẩm hàng hóa vào Hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Cùng đó, chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng có liên quan thực hiện khảo sát nhu cầu quản lý và triển khai truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hoá ngành công thương. Bước đầu đã xác định phương hướng kỹ thuật sơ bộ và bước đầu có cơ sở xác lập thiết kế chi tiết đối với hệ thống Cổng thông tin điện tử về truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu quản lý về truy xuất nguồn gốc và từng bước hình thành cơ sở dữ liệu đối với sản phẩm, hàng hoá thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương để kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia.

Nhằm cung cấp bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm gồm thông tin chung, nhật ký điện tử trong quá trình canh tác, sản xuất chế biến, vận chuyển, phân phối..., Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các đơn vị liên quan đã xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại tại https://itrace247.com.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại itrace247 hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hơn nữa việc tận dụng công cụ số, xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của sản phẩm trên thị trường, cả nội địa và xuất khẩu theo đúng định hướng của quốc gia hướng đến. Đồng thời, hỗ trợ người tiêu dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội hiểu thêm về giá trị về lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình tạo nên sản phẩm.

Thông qua việc gắn tem truy xuất iTrace247 với thông tin được hiển thị các ngôn ngữ theo yêu cầu của khách hàng, đáp ứng yêu cầu về minh bạch thông tin sản phẩm của thị trường nhập khẩu. Hiện nay, iTrace247 đang được nâng cấp phiên bản áp dụng công nghệ chuỗi khối mang tính minh bạch hơn để đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khác nhau.

Đại diện Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia nhấn mạnh: Với tư cách là đơn vị tham mưu về mặt chuyên môn cho các hoạt động liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm và hàng tiêu dùng thông dụng khác, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia đang phát triển ứng dụng truy xuất nguồn gốc NBC-Trace và một ứng dụng xác thực các thông tin được kê khai gọi là Verify.

Theo đó, ứng dụng này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể xác thực các thông tin được kê khai khi đăng ký mã số. Việc sử dụng ứng dụng này cũng sẽ là một bước chuyển tiếp để doanh nghiệp có thể dễ dàng đưa các thông tin sản phẩm, hàng hóa được kê khai trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.

Ngoài ra, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia cũng đang tư vấn, hướng dẫn cho trên 10 đơn vị cung cấp giải pháp về truy xuất nguồn gốc để chuẩn hóa ứng dụng về truy xuất nguồn gốc cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng quốc gia được thuận lợi. Tuy nhiên, để xây dựng thành công một hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa toàn diện, không thể chỉ trông chờ vào một phía. Đây là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của cả cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và chính người tiêu dùng.

Sự phối hợp ba chiều giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp hệ thống truy xuất nguồn gốc trở thành nền tảng dữ liệu sống động, liên tục được cập nhật và ngày càng chính xác. Đây không chỉ là công cụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn là động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất và thương mại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục