Từ Đề án thí điểm tiết kiệm điện trong nuôi tôm - Bài 1: Nhìn từ thực trạng

10:17' - 09/04/2018
BNEWS Diện tích nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang phát triển rất nhanh với 654.813 ha, chiếm đến 92,76% diện tích nuôi tôm của cả nước.

Thống kê của ngành nông nghiệp trong năm 2017 cho thấy, các tỉnh vùng ĐBSCL đều tăng cả về diện tích lẫn sản lượng so với năm 2016. Cụ thể, tôm sú sản lượng tăng 100,1%, diện tích nuôi tăng 101,6%; tôm thẻ chân trắng sản lượng tăng 120,8%, diện tích nuôi tăng 117,9%.

Nghề nuôi tôm đã phát triển quá lớn về mặt diện tích dẫn đến khó có thể xây dựng được quy hoạch riêng sát với thực tế. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Khi địa phương chưa thật sự chú trọng vào phát triển về mặt diện tích thì hình thức nuôi được phát triển chuyên sâu sang hướng thâm canh và bán thâm canh. Nghề nuôi tôm đã phát triển quá lớn về mặt diện tích dẫn đến khó có thể xây dựng được quy hoạch riêng sát với thực tế.

Các tỉnh trong vùng cũng chưa quy hoạch được vùng chuyên tôm trọng điểm để đầu tư xây dựng đồng bộ về cơ sở hạ tầng từ việc cấp và thoát nước, cấp điện hoặc phát triển các công nghệ nuôi cho năng suất cao thân thiện với môi trường.

Tiết kiệm năng lượng cho Quốc gia, đặc biệt là tiết kiệm trong ngành nông nghiệp, một ngành được xem là tiêu tốn ít năng lượng nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Đơn cử như ngành nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh hiện đang phát triển rất nhanh và lượng điện năng tiêu thụ trong quá trình nuôi tôm cũng tăng theo tỷ lệ (thuận) cùng với sự phát triển đó.

Trong thời gian qua, ngoài việc sử dụng điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày (chủ yếu là nguồn điện một pha, công suất nhỏ), các hộ dân đã kết hợp sử dụng điện để phục vụ sản xuất, tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, giai đoạn năm 2010-2013 phong trào nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp bắt đầu phát triển rất mạnh ở một số tỉnh ven biển khu vực phía Nam.

Tại một số địa phương, UBND tỉnh đã lập quy hoạch để phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đối với việc nuôi trồng theo hình thức nhỏ lẻ tự phát bằng cách sử dụng điện từ nguồn điện phục vụ ánh sáng sinh hoạt, dẫn đến tình trạng lưới điện bị quá tải.

Người dân tự kéo dây từ nơi cấp điện sinh hoạt đưa đến các ao tôm để sản xuất, không đảm bảo kỹ thuật, an toàn điện... nên chất lượng điện không đảm bảo và gây ra nhiều tai nạn điện đáng tiếc.

Để đảm bảo cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển khu vực phía Nam, qua các đợt làm việc và phối hợp UBND các tỉnh/thành phố, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã cân đối và thu xếp nguồn vốn để ưu tiên đầu tư tại một số tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn với tổng số vốn là 876 tỷ đồng để chống quá tải, kết hợp cung cấp điện cho một số khu vực đã có quy hoạch nuôi tôm.

đảm bảo cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Cụ thể như Dự án Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện thuộc dự án DPL3 (vay vốn WB) thực hiện năm 2015, hoàn tất đưa vào sử dụng trong quý 1/2016 với 599,2 km đường dây trung thế, 1.304,2 km đường dây hạ thế và trạm biến áp có tổng dung lượng 99.926 kVA, tổng vốn đầu tư là 597 tỷ đồng, tại Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Trà Vinh.

Các công trình thực hiện bằng nguồn vốn tự có và ứng của tỉnh với khối lượng đầu tư 348,5 km đường dây trung thế, 383,85 km đường dây hạ thế và 54.240 kVA dung lượng trạm biến áp, tổng vốn đầu tư là 279 tỷ đồng.

Với việc thực hiện đầu tư như trên, nhu cầu cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các tỉnh khu vực này tạm thời được đáp ứng.

Tuy nhiên, khối lượng đó vẫn chưa đáp ứng đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ không tập trung, phát triển tự phát theo nhu cầu thị trường nguyên liệu tôm. Trong khi đó, việc sử dụng điện từ nguồn điện phục vụ ánh sáng sinh hoạt để nuôi tôm đã dẫn đến quá tải lưới điện trên diện rộng.

Theo đánh giá, yếu tố cơ bản hộ dân chưa áp dụng giải pháp tiết kiệm điện là do chi phí điện năng chỉ chiếm từ 10-14% trong giá thành sản xuất cơ bản. Nếu tôm trúng mùa, trúng giá thì tỷ trọng chi phí này càng nhỏ, không đáng kể nên hộ nuôi tôm đã xem nhẹ và chưa quan tâm áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện.

Xuất phát từ nhu cầu mua điện nuôi tôm của người dân trong khoảng thời gian từ năm 2000-2010, nhận thấy khả năng sẽ bị thiếu điện, không đủ cung cấp cho các hộ nuôi tôm do việc thả nuôi không theo quy hoạch của cơ quan quản lý nhà nước (quy hoạch nuôi tôm không đồng bộ với quy hoạch điện), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã không ngừng nghiên cứu và tìm kiếm những ý tưởng khả thi để tiết kiệm điện nhằm khắc phục vấn đề này./.

Bài 2: Từ ý tưởng khả thi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục