Tuần "ảm đạm" của giá dầu thế giới

10:19' - 22/07/2017
BNEWS Mặc dù có thời điểm vọt lên mức cao nhất trong sáu tuần, song giá dầu thế giới vẫn chứng kiến một tuần “ảm đạm”, do mối lo ngại dai dẳng của giới đầu tư về tình trạng dư cung.
Mối lo dư cung tiếp tục chi phối giá dầu thế giới. Ảnh: AFP

Mặc dù có thời điểm vọt lên mức cao nhất trong sáu tuần, song giá dầu thế giới vẫn chứng kiến một tuần “ảm đạm”, do mối lo ngại dai dẳng của giới đầu tư về tình trạng dư cung. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,6%.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (17/7), giá dầu thế giới giảm khoảng 1% trước những quan ngại về xu hướng gia tăng sản lượng khai thác dầu thô tại Mỹ.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng khai thác dầu đá phiến ở nước này trong tháng 8/2017 ước tăng thêm 112.000 thùng/ngày lên 5,585 triệu thùng/ngày, ghi dấu tháng tăng thứ tám liên tiếp.

Theo các chuyên gia phân tích, hoạt động khai thác dầu thô của Mỹ tăng khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng những nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ không "đủ lực" để giảm tình trạng dư dôi nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.

Bước sang phiên giao dịch ngày 18/7, giá dầu thế giới hồi phục sau khi thị trường nhận được thông tin cho hay Saudi Arabia đang cân nhắc khả năng tiếp tục hạn chế xuất khẩu dầu thô. Theo tờ Financial Times, Saudi Arabia có thể sẽ cắt giảm lượng dầu xuất khẩu tới 1 triệu thùng/ngày.

Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 19/7, giá dầu tăng gần 2% lên mức cao nhất trong sáu tuần qua, sau khi báo cáo của Mỹ cho thấy mức dự trữ dầu thô, xăng và một số chế phẩm chưng cất tính theo tuần của nước này đã giảm nhiều hơn dự đoán.

Theo EIA, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 4,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/7, vượt dự đoán giảm 3,2 triệu thùng trong một cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Anh Reuters. Bên cạnh đó, lượng dự trữ các chế phẩm chưng cất và xăng giảm lần lượt 2,1 triệu thùng và 4,4 triệu thùng.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent giao tháng Chín tăng 86 xu Mỹ (1,8%) lên 49,70 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giao tháng Tám tăng 72 xu Mỹ (1,6%) và được giao dịch ở mức 47,12 USD/thùng. Đây đều là các mức cao nhất của cả hai loại hợp đồng này kể từ ngày 6/6/2017.

Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 20/7, giá dầu quay đầu đi xuống, trong bối cảnh mối lo ngại về tình trạng dư cung tiếp tục đeo bám các nhà đầu tư.

EIA cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ hiện ở mức khoảng 490 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 401 triệu thùng trong 5 năm qua. Thống kê cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ tăng khoảng 12% kể từ giữa năm 2016, lên mức 9,4 triệu thùng/ngày.

Bước sang phiên cuối tuần (21/7), giá dầu giảm sâu, sau khi Petro-Logistics dự báo sản lượng dầu của OPEC sẽ tăng 145.000 thùng/ngày trong tháng Bảy lên trên 33 triệu thùng/ngày. Đóng cửa phiên này, giá dầu Brent giảm 1,24 USD (2,52%) xuống 48,06 USD/thùng; còn giá dầu WTI giảm 1,15 USD (2,45%) xuống 45,77 USD/thùng.

Hiện nay, giới giao dịch trên thị trường đang chờ đợi cuộc họp của các bộ trưởng trong và ngoài OPEC sẽ diễn ra tại St. Petersburg (Nga) vào ngày 24/7. Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait, Essam al-Marzouq, cho biết các đại biểu tham dự cuộc họp sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề cắt giảm sản lượng.

Năm ngoái, các thành viên trong và ngoài OPEC, trong đó có Nga, đã đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác gần 1,8 triệu thùng dầu/ngày trong 6 tháng đầu năm 2017 và thỏa thuận này được gia hạn đến tháng 3/2018.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục