Từng bước tăng giá trị cho cà phê Việt

15:53' - 15/03/2019
BNEWS Cà phê Việt Nam hiện được xuất khẩu sang trên 80 thị trường với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil.
Cà phê là một trong những ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh, Hoàng Hùng - TTXVN
Mỗi năm, Việt Nam sản xuất trên 1,5 triệu tấn cà phê nhưng, lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm khoảng 90%, do đó, lợi nhuận thu về chưa tương xứng với lượng hàng xuất đi. Đây là điểm yếu của ngành cà phê, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang từng bước khắc phục, để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam.

Cà phê Việt Nam hiện được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil. 10 thị trường đứng đầu là Đức, Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Bỉ, Nga, Angeria, Philippines và Trung Quốc đã chiếm đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Mặc dù là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong nhóm hàng nông sản của Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng kim ngạch giai đoạn (2013-2017) chỉ ở mức bình quân 6,57%/năm. Nguyên nhân chủ yếu là do chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới, trong lúc cơ cấu các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao vẫn còn thấp, xuất khẩu cà phê nhân chiếm tỷ trọng lớn.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam bán hàng thông qua 26 đầu mối và doanh nghiệp nước ngoài mà chưa tiếp cận trực tiếp với các nhà rang xay cà phê thế giới. Năng lực quản trị của các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê còn thiếu chuyên nghiệp. Trình độ ngoại ngữ, kỹ thuật thương mại quốc tế của đội ngũ làm công tác tiêu thụ, xuất khẩu cà phê ở các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém, bất cập.

Ngoài ra, phải kể đến các yếu tố kìm hãm khác như hạ tầng thương mại trong nước yếu kém, chậm hình thành các sàn giao dịch, đấu giá; hệ thống thông tin và phân tích giá cả thị trường chưa chuyên nghiệp, bị động và bị chi phối bởi những yếu tố ngoại quan.

Hiện cả nước có 150 doanh nghiệp xuất khẩu cùng hơn 3.000 đại lý tham gia thu mua cà phê; trong đó, có 13 doanh nghiệp FDI. Trong số trên chỉ có 1/3 số doanh nghiệp có nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu; 90% các doanh nghiệp trong nước và 100% các doanh nghiệp FDI mua cà phê nhân thông qua thương lái và đại lý thu mua để xuất khẩu.

Để nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện Đề án phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”. Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2018- 2023, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án sẽ hỗ trợ tối thiểu 10 doanh nghiệp hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến ướt (sử dụng enzim và vi sinh vật) nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch; hỗ trợ tối thiểu 5-10 doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao. Tổng giá trị các mô hình cho thu nhập tương đương 2.000 tỷ đồng/năm; trong đó quy mô mỗi dự án sản xuất thử nghiệm cà phê chất lượng cao đạt không dưới 100 tỷ đồng/năm...

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng cà phê, nhất là đối với cà phê thành phẩm. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN
Đề án cũng đặt ra có ít nhất 10 doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm cà phê chất lượng cao theo chuỗi từ giá trị sản xuất, chế biến đến thương mại, đảm bảo được giá trị gia tăng cho ngành cà phê giai đoạn 2020-2030; có 50% doanh nghiệp đầu ngành gắn thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao trên bao bì sản phẩm trong giao dịch, mua bán trên thị trường trong nước và thế giới.

Để nâng chất lượng, hiệu quả, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, ngành cà phê phải cơ cấu lại và nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất. Ngành nông nghiệp sẽ phải thực hiện tái canh, thay thế diện tích cà phê già cỗi, tổ chức lại sản xuất ổn định khoảng 600.000 ha với sản lượng xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 1,5-1,8 triệu tấn.

Ngành sẽ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là khâu thu hái, đường vận chuyển, phơi, sấy và kho bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; khuyến kích đầu tư phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ cà phê trong mối liên kết chuỗi để hình thành những tập đoàn, doanh nghiệp hiện đại. Ngành nông nghiệp cũng ưu tiên đầu tư nhà máy chế biến cà phê rang xay hiện đại với công suất từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên và chế biến cà phê hòa tan hiện đại với công suất bình quân từ 500 tấn sản phẩm/năm trở lên.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, lựa chọn các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. Ngành cũng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; đưa vào hoạt động có hiệu quả các sàn giao dịch cà phê để xuất khẩu trực tiếp cho các nhà tiêu thụ, các nhà rang xay quốc tế, không qua khâu trung gian.

Về thị trường, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường ngách; trong đó quan tâm đặc biệt đến thị trường Trung Quốc, EU và các nước tham gia hiệp định CPTPP, AEC...

Từng bước với những giải pháp trên, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ cà phê nhân được chế biến ở quy mô công nghiệp đạt trên 80%; cà phê hòa tan đạt 150.000 tấn/năm; sản phẩm chế biến sâu và có thương hiệu đạt tỷ trọng 30-40%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục