Tương lai kinh tế Mỹ Latinh hậu bầu cử Mỹ

05:30' - 27/10/2024
BNEWS Chính sách thương mại và thuế quan, cũng như những tác động của chính sách tiền tệ Mỹ đến lãi suất toàn cầu, sẽ là những yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế Mỹ Latinh

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo bài phân tích đăng trên trang mạng americaeconomia.com, Mỹ Latinh đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với những kịch bản sẵn sàng dành cho người giành chiến thắng, bất kể đó là ứng cử viên của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris, hay ứng cử viên đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump.

Theo bài phân tích nói trên, chính sách thương mại và thuế quan, cũng như những tác động của chính sách tiền tệ Mỹ đến lãi suất toàn cầu, sẽ là những yếu tố chính có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế Mỹ Latinh. Bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang gây tác động mạnh tới Mexico và tạo động lực cho Brazil. Bất đồng thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ có diễn biến mới hậu bầu cử tổng thống Mỹ và Mỹ Latinh rất dễ rơi vào vòng xoáy trong kịch bản đáp trả giữa hai bên.

Trung Quốc cũng sẽ phải chú ý đến các cuộc đàm phán để xem xét lại thỏa thuận thương mại giữa Mỹ, Mexico và Canada (USMCA, còn được gọi là NAFTA phiên bản 2.0), dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2026. Nếu Mỹ “làm khó” nhiều khả năng một số sản phẩm, bao gồm cả những sản phẩm từ các nhà máy liên danh của các công ty Trung Quốc với Mexico sẽ không thể lấy mác là sản phẩm của Mexico để được hưởng ưu đãi thuế quan vào Mỹ.

 

Các yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa trong ngành ô tô, hay còn được biết đến là “quy tắc xuất xứ”, có thể sẽ là vấn đề trọng tâm trong các cuộc đàm phán về USMCA.

Ông Carlos de Sousa, chiến lược gia thị trường mới nổi và là nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý đầu tư Vontobel, cho biết xung đột thương mại có thể gia tăng hậu bầu cử tổng thống Mỹ và quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất ở Mỹ Latinh nhiều khả năng là Mexico.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Lazard của Mỹ, mức thuế phổ thông 10% giống như mức do ứng cử viên của đảng Cộng hòa đề xuất đối với mọi loại hàng hóa nhập khẩu vào nước này có thể được sử dụng làm đòn bẩy để ngăn chặn các nước khác “lách thuế” bằng cách thiết lập quan hệ với những đối tác thương mại của Mỹ. Một vài ví dụ về việc sử dụng chúng như một đòn bẩy có thể bao gồm cả chính sách liên quan đến di cư, vì kiều hối đóng góp lớn cho một số nền kinh tế khu vực, đặc biệt là ở Trung Mỹ. Các nước Nam Mỹ có thể ở tình thế thuận lợi hơn để né tránh một hệ thống thương mại chặt chẽ hơn của Mỹ và có thể hưởng lợi từ việc ít phụ thuộc vào nguồn kiều hối từ Mỹ.

Một số quốc gia Trung Mỹ, chẳng hạn như Honduras và El Salvador, với lượng kiều hối chiếm hơn 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sẽ chịu tác động mạnh bởi mức thuế phổ thông trên, khiến GDP quốc gia có thể giảm vài điểm phần trăm mỗi năm.

Năm 2018, khi bất đồng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, Trung Quốc đã thay thế tất cả đậu nành nhập khẩu của Mỹ bằng đậu nành của Brazil. Cường quốc châu Á hiện đã là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil và nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc gia tăng thương mại với gã khổng lồ châu Á. Do vậy, có thể có một kết quả về thuế quan có lợi cho Mỹ Latinh do động thái đáp trả qua lại và Trung Quốc chuyển hướng mua những sản phẩm cơ bản từ Mỹ sang các nhà cung cấp khác như Brazil và Argentina.

Chuyên gia Carlos de Sousa cho biết nếu thâm hụt ngân sách Mỹ “phình to” hơn một chút trong giai đoạn hậu bầu cử thì quá trình lạm phát hạ nhiệt có thể diễn ra chậm hơn. Điều đó có thể dẫn đến việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ chậm hơn một chút. Trong những năm gần đây, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn ở Mỹ đã khiến giá trị tài sản ở các thị trường mới nổi, bao gồm cả Mỹ Latinh, sụt giảm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục