Tuyên Quang tăng cường chính sách phát triển ngành nghề nông thôn

08:25' - 19/07/2024
BNEWS Nhằm phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, tỉnh Tuyên Quang đang phát triển nhiều ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Từ đó phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

 

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang, là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, Tuyên Quang xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ góp phần quan trọng tạo sinh kế bền vững và giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Do vậy, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: hoàn thiện thể chế chính sách cho phát triển ngành nghề nông thôn; trong đó chú trọng triển khai các chính sách về đất đai, đầu tư, bảo hiểm, tín dụng, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại.

Tỉnh nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành nghề nông thôn; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển dịch vụ, cơ sở hạ tầng, logistics và ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn. Đồng thời, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí trong rừng, phát triển vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, thảo dược dưới tán rừng.

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức lại sản xuất và thúc đẩy khởi nghiệp, tăng cường mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - người dân; ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ và hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết thêm, tỉnh cũng thực hiện bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông thôn; xây dựng mô hình phát triển du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái mang tính đặc trưng của các địa phương; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn có chứng chỉ bền vững, mã số vùng trồng, phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển thị trường và bồi dưỡng nguồn nhân lực, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất đưa các sản phẩm lên hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, điểm du lịch, kênh thương mại điện tử…

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nghề nông thôn đạt khoảng 5,5 - 7%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn là 80% và tỷ lệ được cấp bằng, chứng chỉ đạt 40%; thu hút thêm khoảng 45.000 lao động thường xuyên trong các hoạt động ngành nghề nông thôn; hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định đáp ứng 70% nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn.

Đặc biệt, tỉnh tập trung khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền như: nghề dệt thổ cẩm (các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Bình An và thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình), nghề vẽ sáp ong (thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang), nghề chế biến mắm cá ruộng (các xã Trung Hà, Hòa Phú và Kim Bình, huyện Chiêm Hóa) cũng như công nhận nghề truyền thống, làng nghề mới, có làng nghề gắn với phát triển du lịch như: làng nghề đan cót (các xã Vinh Quang, Trung Hòa, huyện Chiêm Hóa), làng nghề chè (các xã Tân Trào, Hợp Thành, huyện Sơn Dương)…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục