Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018: Hàng trăm tổ hợp xét tuyển không có thí sinh lựa chọn

17:54' - 27/04/2018
BNEWS Theo thống kê đăng ký xét tuyển năm 2018, về cơ bản, các trường và thí sinh vẫn sử dụng tổ hợp truyền thống để xét tuyển.
Học sinh tiềm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường. Ảnh: Phương Vy/TTXVN.

Tại buổi gặp mặt báo chí ngày 27/4 thông tin về thi, tuyển sinh năm 2018, bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh, chấn chỉnh kịp thời và tiến hành thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các trường xác định điểm sàn xét tuyển thấp.
Gần 90% thí sinh chọn tổ hợp xét tuyển truyền thống
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường năm 2018 là 455.174, tăng 1,2% so với năm 2017 (449.559 chỉ tiêu). Trong đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi Trung học Phổ thông là 344.275; tổng chỉ tiêu theo phương thức khác là 110.899.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ: Sau lộ trình 3 năm các trường được tự chủ xác định tổ hợp tuyển sinh, năm 2018 không còn quy định bắt buộc các trường phải để chỉ tiêu xét tuyển cho các tổ hợp truyền thống nữa. Tuy nhiên, theo thống kê đăng ký xét tuyển năm 2018, về cơ bản, các trường và thí sinh vẫn sử dụng tổ hợp truyền thống để xét tuyển.

Tương tự như năm 2017, năm nay, tổ hợp có lượng thí sinh chọn đăng ký nhiều nhất là: A00 ( Toán, Lí, Hóa); D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh); A01 ( Toán, Lí, Anh văn); B00 (Toán, Hóa, Sinh); C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí). Năm 2018, 5 tổ hợp này chiếm gần 90% (năm 2017 gần 92%).
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học bày tỏ: Quy chế tuyển sinh cho phép các trường được bổ sung thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển và quy định "các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo".

Về lý thuyết, có 9 môn thi và một số môn thi năng khiếu có thể thiết kế tới hơn 400 tổ hợp. Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy, số thí sinh đăng ký xét tuyển chọn các tổ hợp mới được bổ sung rất ít, cụ thể có hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn và có hàng trăm tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào chọn.

Như vậy, không phải cứ nhiều tổ hợp sẽ có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. Thực tế cho thấy, thí sinh không "mặn mà” với các tổ hợp mới. Trong hai năm gần đây, 5 tổ hợp truyền thống thường chiếm khoảng 90% tổng số nguyện vọng đăng ký dự thi của thí sinh.
Liên quan đến vấn đề xây dựng tổ hợp xét tuyển của các trường, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Căn cứ tình hình thực tế trong công tác tuyển sinh, ngay từ đầu năm 2018, Bộ đã thường xuyên giám sát, nhắc nhở các trường có thông báo xét tuyển tổ hợp các môn thi chưa phù hợp với ngành đào tạo; yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định.

Sau khi có ý kiến nhắc nhở của Bộ, nhiều trường đã khẩn trương điều chỉnh như Đại học Công nghệ Đồng Nai, Đại học Đông Đô…
Đối với các trường tuyển sinh những tổ hợp chưa gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, Bộ sẽ tham vấn chuyên gia, trao đổi và yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên. Nếu không có căn cứ thuyết phục, Bộ sẽ lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực để giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh; kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp...

Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung.
Giám sát chặt chẽ các trường có điểm sàn xét tuyển thấp
Một điểm mới trong công tác tuyển sinh năm 2018, đó là bắt đầu từ mùa tuyển sinh này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền tự chủ cho các trường được tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển), trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, xét về nguyên tắc, tự chủ xác định điểm sàn là hướng đi tất yếu để các trường thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về những quyết định trong tuyển sinh của mình. Bộ cũng yêu cầu các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ, trong đó có quy định công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, tỉ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong hai năm gần nhất, tỉ suất đầu tư để đảm bảo số sinh viên trong một năm học. Trên cơ sở đó, thí sinh lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với điều kiện và năng lực của mình.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng đánh giá: Nhìn chung, đa số các trường đã xây dựng chính sách chất lượng của mình, trong đó, có chất lượng đầu vào, chú trọng chất lượng trong quá trình đào tạo và đặc biệt là đảm bảo chất lượng đầu ra. Hầu hết các trường đều dự kiến thời điểm thích hợp để công bố điểm sàn là sau khi có kết quả, phổ điểm thi Trung học phổ thông quốc gia, trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng có trường nhận biết được khó khăn, yếu kém của mình nên chủ trương sẽ lấy điểm đầu vào thấp, “vơ bèo vạt tép”, bất chấp năng lực, nền tảng của thí sinh để có thí sinh vào học.
Để không xảy ra tình trạng này, chuẩn bị bước vào mùa thi tuyển sinh năm nay, Bộ đã chỉ đạo các trường cần cân nhắc khi thông báo điểm sàn, tham khảo mức điểm hai năm tuyển sinh trước liền kề để đảm bảo chủ trương tự chủ phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn ngành.
Thực tế, một vài trường đã dự kiến thông báo xét tuyển với ngưỡng đầu vào thấp. Mặc dù chưa phải là quyết định cuối cùng của nhà trường do chưa có kết quả thi nhưng hiện tượng đó cũng gây tâm lý lo ngại về chất lượng đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời trao đổi, khuyến cáo các cơ sở điều chỉnh lại nội dung này trong đề án tuyển sinh. Bộ sẽ theo sát diễn biến, giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh của nhóm trường này, chấn chỉnh kịp thời và tiến hành thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với trường xác định điểm sàn thấp.
Chỉ tiêu ngành Sư phạm giảm 38%
Về vấn đề tuyển sinh ngành Sư phạm, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên trên cơ sở khảo sát, thống kê nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương trong toàn quốc. Theo đó, chỉ tiêu của ngành Sư phạm là 35.590, giảm 38% so với năm 2017 (56.725 chỉ tiêu).
Để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên, Bộ vẫn giữ quyền quy định và nâng cao ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; quy định nâng ngưỡng xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp Trung học Phổ thông cao hơn so với các năm trước.

Cụ thể, đối với trình độ Đại học, xét tuyển học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.

Các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (ngành cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông có học lực lớp12 xếp loại trung bình trở lên.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng phân tích, chủ trương trên có thể giảm số học sinh đăng ký xét tuyển vào sư phạm; các trường có thể gặp khó khăn để duy trì hoạt động, cần chi phí để đổi mới, đánh giá, cơ cấu lại...

Tuy nhiên, việc đào tạo sẽ sát với quy mô sử dụng giáo viên, có khả năng thu hút các sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, dẫn đến giảm thiểu tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm.

Bên cạnh đó, khi biết chủ trương nâng chuẩn đầu vào, giảm chỉ tiêu mà thí sinh vẫn đăng ký vào sư phạm thì các thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay có thể chất lượng hơn, thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề hơn...
Thực tế, tổng số nguyện vọng sư phạm năm nay là 125.261 thí sinh, giảm 29% so với năm 2017; trong đó, số nguyện vọng 1 là 43.069, giảm 27% so với 2017. Như vậy, tốc độ giảm nguyện vọng (27-29%) vẫn thấp hơn tốc độ giảm chỉ tiêu.

Nếu xét ở tiêu chí tỷ lệ nguyện vọng/ chỉ tiêu, tỷ lệ này của các ngành đào tạo giáo viên, trình độ đại học vẫn ở vị trí trung bình trong các khối ngành (thứ 4/7 khối ngành). Như vậy, nguồn tuyển không quá thấp và chất lượng đầu vào sẽ được đảm bảo.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh: Cùng với việc tiến hành đồng thời một số giải pháp khác như quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo sư phạm, nâng chuẩn giảng viên, đổi mới chương trình nội dung phương pháp giảng dạy và học tập..., chủ trương đổi mới tuyển sinh sư phạm năm nay đang chứng tỏ đáp ứng nhu cầu chất lượng và tương quan cung cầu của đào tạo giáo viên./.

>>>Tuyển sinh 2018: Năm đầu tiên ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển sinh bằng kỳ thi đánh giá năng lực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục