Tuyển sinh vào lớp 10: Việc bốc thăm môn thi thứ 3 cần cân nhắc thận trọng

12:42' - 07/10/2024
BNEWS Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến đa chiều của các nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh đó là việc bốc thăm để chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Dự kiến bốc thăm môn thi thứ 3

Đối với phương thức tuyển sinh Trung học Phổ thông (THPT), Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 2 phương thức để xin ý kiến góp ý là xét tuyển và thi tuyển.

Với phương thức xét tuyển, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở (THCS) hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học Cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

 

Với thi tuyển, số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở.

Thành phần tổ chức bốc thăm gồm: lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, thành phần có liên quan khác do Sở Giáo dục và Đào tạo mời; biên bản bốc thăm phải có chữ ký của các thành viên tham gia. Môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Đối với việc tuyển sinh vào trường Trung học Phổ thông chuyên, mỗi môn chuyên có thêm 1 môn thi chuyên.

Thời lượng dành cho các môn thi: Môn Ngữ văn 120 phút; môn Toán 90 phút; môn thi còn lại không quá 90 phút; môn thi chuyên 150 phút.

Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở, chủ yếu là chương trình lớp 9. Mỗi môn thi chuyên được thi bằng một đề riêng theo chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở; đề thi bảo đảm lựa chọn được những học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.

Ngoài nội dung trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xin góp ý một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung liên quan đến: Thành lập các Hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi theo phạm vi quản lý; ra đề thi; coi thi; chấm thi; phúc khảo bài thi; việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi.

Tìm giải pháp giảm áp lực cho học sinh

Việc định hướng bốc thăm môn thi thứ 3 nhằm tạo sự công bằng cho các môn học và tránh tình trạng học lệch. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, giáo viên bày tỏ băn khoăn, vì đây không phải là kỳ thi tốt nghiệp Trung học cơ sở, không phải đánh giá lại quá trình học tập đơn thuần mà mục đích chính là tuyển sinh, với chỉ tiêu nhất định vào các trường Trung học Phổ thông. Đặc biệt, với các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập những năm gần đây còn “căng thẳng” hơn tuyển sinh đại học, chỉ có trên 50-60% thí sinh trúng tuyển.

Là phụ huynh có con đang học lớp 9, chị Nguyễn Phương Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) lo lắng chia sẻ: Nếu phương án bốc thăm môn thi thứ 3 được áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thì sẽ gây áp lực rất lớn đến học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10. Vì trong chương trình Trung học Cơ sở hiện nay, các con không chỉ học đơn môn mà có các môn tích hợp như Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Lịch sử - Địa lý. Nếu bốc thăm vào các môn tích hợp thì khối lượng kiến thức các con phải học, ôn tập để thi sẽ thành 4-5 môn.

Thời điểm công bố môn thi thứ 3 sẽ vào khoảng tháng 3 hàng năm, tức là cách kỳ thi chỉ 2-3 tháng, học sinh sẽ không có nhiều thời gian để ôn tập lượng kiến thức lớn của các môn này. Không chỉ vậy, mỗi học sinh sẽ có thế mạnh riêng ở từng môn học, rất hiếm học sinh nào học tốt toàn diện. Do đó, nếu môn thi thứ 3 vào môn Khoa học Tự nhiên thì các bạn học giỏi môn này sẽ “thở phào” còn các bạn có thiên hướng Khoa học Xã hội sẽ rơi vào thế khó.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học Phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lo ngại thi cố định cả 3 môn sẽ gây học lệch cũng có lý. Tuy nhiên, cần xét ở khía cạnh khác là việc bốc thăm một trong số các môn khiến môn nào cũng có thể trở thành môn thi và có thể xảy ra tình huống học sinh sẽ phải học thêm để luyện thi tất cả các môn học.

Góp ý dự thảo phương thức thi, nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đồng tình với việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với 3 môn, trong đó Toán – Ngữ văn là 2 môn bắt buộc và một môn trong số các môn còn lại của chương trình Trung học Cơ sở. Tuy nhiên, việc lựa chọn môn thi thứ ba như thế nào cần phải xem xét dựa trên nhiều yếu tố.

Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ cho rằng: Việc lựa chọn môn thứ 3 nên giao cho UBND các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình thực tế địa phương quyết định và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Nếu theo cách bốc thăm môn thứ 3 như Bộ đang lấy ý kiến dự thảo thì chỉ nên thực hiện 1 trong số các môn: Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân (hiện chương trình Trung học Cơ sở có 8 môn được đánh giá bằng điểm số gồm: Toán, Ngữ văn; Tiếng Anh; Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục công dân).

Theo ông Phùng Quốc Lập, môn Tin học nhiều trường khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa điều kiện về cơ sở vật chất, máy tính còn thiếu và khó khăn, điều kiện về đội ngũ tham gia giảng dạy còn thiếu; môn Công nghệ có nhiều mô-đun gây khó khăn trong việc tổ chức ôn tập, biên soạn đề thi, tổ chức thi.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cũng đề xuất, phương án chọn môn thi thứ 3 nên để Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn trình UBND tỉnh phê duyệt. Điều này nhằm phù hợp với thực tiễn từng địa phương và giữ ổn định để học sinh có định hướng ôn tập. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình cũng đưa kiến nghị cộng điểm khuyến khích cho học sinh giành giải học sinh giỏi cấp tỉnh các môn thi văn hóa và học sinh đoạt giải khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục