Tỷ phú đông trùng hạ thảo

06:31' - 21/03/2016
BNEWS Một phụ nữ trẻ trở thành tỷ phú với thu nhập 12 tỷ đồng mỗi năm bằng việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo, một loài nấm dược liệu quý đã gần như bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Nghe tiếng như vậy, chúng tôi quyết định về Thanh Oai (Hà Nội) để “mục sở thị” mô hình nuôi cấy đặc biệt này.

“Vạn sự khởi đầu nan”

Công việc bận rộn nhưng chị Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vẫn dành thời gian trò chuyện rất cởi mở, chân thành và vô cùng say mê khi nhắc về đông trùng hạ thảo – loại dược liệu quý mà chị đã dành trọn vẹn 9 năm liền để chinh phục với không ít mồ hôi, nước mắt và tiền của.

Nhìn khu vực nuôi cấy rộng lớn và đầy ắp đông trùng hạ thảo, chúng tôi hiểu vì sao người phụ nữ ấy dám đánh đổi biết bao lần thất bại để có được thành quả hôm nay. Đông trùng hạ thảo loại cordyceps militaris – một loài nấm dược liệu quý hiếm có nhiều tác dụng được mệnh danh là "thần dược".

Sản phẩm đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trên cá thể nhộng tằm. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Nhận thấy công dụng to lớn và tiềm năng làm giàu từ loài nấm này, năm 2003, chị Hồng đã nhen nhóm ý tưởng nghiên cứu nuôi cấy đông trùng hạ thảo và để cung cấp cho thị trường trong nước.

Hiện, chị có 2 cơ sở sản xuất, một trụ sở chính tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) và một cơ sở tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Mỗi năm, chị thu 12 tỷ đồng từ sản xuất đông trùng hạ thảo, đồng thời cung cấp nguồn thuốc quý cho những người mắc bệnh hiểm nghèo.

Dẫn chúng tôi đi thăm từng khu nuôi cấy, cùng với niềm hãnh diện hiển hiện trên đôi mắt, chị Hồng chia sẻ:

"Mình xuất thân từ gia đình làm nông, đã say mê với nông nghiệp từ nhỏ nhưng mình luôn khát khao đưa công nghệ vào nông nghiệp. Vì thế, mình quyết định thi vào Khoa Công nghệ sinh học của Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Năm 2003, mình ra trường làm cho một công trình nghiên cứu về nấm linh chi. Trong lần tình cờ tìm đọc tài liệu về nấm, mình biết đến đông trùng hạ thảo.

Thời điểm bấy giờ, ở Việt Nam chưa có cơ sở nào nuôi trồng, thậm chí chưa có tài liệu nào nghiên cứu về loại nấm này được công bố. Tò mò và đầy hứng thú với những điều mới mẻ, mình quyết định mạo hiểm".

Và xuất phát từ niềm say mê nuôi trồng các loại nấm dược liệu, cùng mong muốn cung cấp đông trùng hạ thảo có chất lượng thực sự, giá thành rẻ tới mọi người, chị Hồng đã dành hơn 9 năm để tự mày mò nghiên cứu, tạo ra hợp chất có cấu tạo giống hệt loài nhộng tằm mà đông trùng hạ thảo thường kí sinh ngoài tự nhiên.

“Tất nhiên, để có được những thành công ấy, tôi đã gặp không ít thất bại, thậm chí có lúc tưởng như không còn cơ hội để tiếp tục được nữa”, chị tâm sự về những khó khăn và trở ngại của quá trình nuôi cấy. Quá trình triển khai nuôi cấy trên quy mô lớn đã không hề dễ dàng như tưởng tượng. Khi mở rộng quy mô nuôi cấy trong suốt năm 2012 - 2013, chị Hồng liên tiếp gặp thất bại, thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng.

Chị Hồng kể, để có không gian nuôi cấy đông trùng hạ thảo, chị phải bán mảnh đất mặt đường để vào trong làng mở xưởng. Mọi người lúc đó còn nghĩ "đầu óc chị có vấn đề". Người ta muốn ra mặt đường ở, còn chị lại chui vào trong làng.

Rồi buồn hơn khi đông trùng hạ thảo mọc ra được 1cm thì bị một loại côn trùng khác ký sinh trong lọ cắn chết chỉ sau một, hai đêm. Hơn 5.000 lọ đông trùng hạ thảo mất trắng, thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Cuối 2012, chị tiếp tục nuôi hơn một vạn lọ, nhưng vẫn thất bại, thiệt hại hơn 600 triệu đồng.

Tưởng rằng đã có dấu chấm hết cho đam mê nhiều năm qua nhưng với chị Hồng thì khác, cảm giác như càng khó khăn, càng khiến chị có thêm động lực bước tiếp. Chị tiếp tục lao vào nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân nuôi cấy thất bại là do con giống bị thoái hóa.

Từ con giống giá 5 triệu, chị mạnh dạn đầu tư chuyển sang trồng con giống 50 triệu. Và sau khi đầu tư giống mới, chị Hồng cùng nhóm nghiên cứu đã chính thức chạm tay vào thành công.

Dù nuôi cấy thành công, nhưng không một ai tin sản phẩm của chị là đông trùng hạ thảo thật. Chị Hồng lại tiếp tục cuộc hành trình chinh phục khách hàng bằng sự chân thành và tận tụy. Chị đã phải mang sản phẩm cho một số đối tượng uống hoàn toàn miễn phí trong 2 năm. Và từ đó, loại thảo dược quý hiếm này đã thực sự được cả nước biết đến.

* Mở ra một mô hình mới

Với niềm đam mê, tâm huyết, cùng quá trình đầu tư khoa học, hợp lý, sau những thất bại ban đầu, giờ đây, chị Hồng đã có thể chinh phục được loại thảo dược “khó tính” và thu về 12 tỷ đồng/năm với 2 cơ sở nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Thanh Oai, Hà Nội và thành phố Đà Lạt.

Quy trình sơ chế đông trùng hạ thảo. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Việc thành lập cơ sở nuôi cấy đông trùng hạ thảo không những đem lại lợi ích kinh tế lớn cho bản thân mà chị Hồng còn chia sẻ nguồn lợi này với những người khác. Cơ sở của chị đã góp phần giải quyết việc làm cho 14 công nhân với mức lương từ 5 triệu đồng/tháng.

Không chỉ vậy, cơ sở sản xuất còn trở thành nguồn cung cấp con giống cho người dân địa phương. Hiện tại, có hàng chục hộ gia đình nhập giống đông trùng hạ thảo non từ cơ sở của chị Hồng về nuôi lớn.

Đánh giá về cơ sở sản xuất của chị Nguyễn Thị Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Nguyễn Văn Bổng cho biết:

“Cơ sở nuôi cấy trồng đông trùng hạ thảo của chị Hồng ở xã Dân Hòa là mô hình công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình không những đem lại lợi ích kinh tế lớn cho chị Hồng mà còn trở thành trung tâm cung cấp giống cho những người dân khác ở Thanh Oai, giúp nhiều hộ gia đình thoát khỏi diện nghèo.

Huyện Thanh Oai hiện đang chủ trương hỗ trợ chị Hồng thuê đất với cơ chế ưu đãi để mở rộng sản xuất, góp phần giải quyết bài toán phát triển kinh tế địa phương.”

Hiện cơ sở sản xuất của chị Hồng là đối tác cung cấp nguyên liệu cho các công ty dược phẩm. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, chị Hồng còn ấp ủ dự định xuất khẩu đông trùng hạ thảo mang thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế.

"Mình mong muốn, mọi người sẽ được sử dụng đông trùng hạ thảo với giá thành rẻ hơn, mang thương hiệu Việt chất lượng đảm bảo và uy tín. Mình cũng hy vọng những người bệnh có thể tự nuôi trồng đông trùng hạ thảo để phục vụ cho việc chữa bệnh, sử dụng một cách hiệu quả nhất loại dược phẩm quý hiếm này", chị Hồng chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục