UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ

15:06' - 10/12/2021
BNEWS Sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Chưa có bước đột phá

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra. 

Dự thảo Nghị quyết quy định, về mức dư nợ vay, thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Về tỷ lệ bổ sung có mục tiêu, hằng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia và một số khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% so với dự toán, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Theo Dự thảo Nghị quyết, dự án xã hội hóa nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - sông Hậu là đối tượng được áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư năm 2020.

Bên cạnh đó, khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt và được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là đối tượng được áp dụng chế độ ưu tiên thủ tục hải quan, thời hạn nộp thuế theo quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ra, vào.

Dự án đầu tư tại Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định tại Điều 20 của Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết: Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhận thấy, cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ trình đã bảo đảm tính tương đồng với các thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù; phù hợp với Nghị quyết 59; song chưa có bước đột phá. Một số chính sách mới đề xuất còn có điểm chưa rõ căn cứ, chưa cụ thể, cần sớm hoàn thiện để bảo đảm tính thuyết phục khi trình Quốc hội thông qua.

Về việc cho phép thành phố Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất này nhằm góp phần tạo dư địa để thành phố Cần Thơ huy động tối đa nguồn lực, đột phá trong phát triển và cũng tương đồng với mức dư nợ được áp dụng cho một số địa phương như thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa.

Quy định cụ thể điều kiện, phạm vi hưởng ưu đãi

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc Chính phủ đã hết sức khẩn trương, chỉ đạo, rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù liên quan trực tiếp đến Cần Thơ và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến thời điểm này, Dự thảo Nghị quyết cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Liên quan đến phạm vi, quy mô của Nghị quyết, mặc dù dự thảo lần này đã có nhiều cố gắng, nhưng Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội vẫn băn khoăn đối với những cơ chế, chính sách đặc thù, mới, để Cần Thơ thực sự trở thành đô thị hạt nhân, địa bàn trọng yếu, chiến lược, đầu tầu, dẫn dắt cả vùng.

Nhằm có đủ căn cứ chính trị pháp lý, thực tiễn để Quốc hội xem xét, quyết định, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung bổ sung làm rõ và quy định cụ thể về cơ chế, điều kiện, phạm vi hưởng ưu đãi…

Liên quan đến Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - sông Hậu, đây là vấn đề hoàn toàn mới, quy định khác biệt so với các cơ chế đặc thù đã áp dụng đối với một số địa phương. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, đây là cơ chế ưu đãi đối với một dự án cụ thể, là chính sách mang tính thời điểm, nhưng lại có tính chất ổn định để sau khi tổng kết có thể áp dụng lâu dài, là bước đột phá hợp lý. Bởi, việc nạo nét sẽ phù hợp với thực tế đã được Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và phù hợp với Nghị quyết 120 của Chính phủ về biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển đường thủy trên sông Hậu được triển khai thực hiện hiệu quả và hàng năm vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bớt được chi phí khoảng 70-100 triệu USD/năm.

Thực tế hiện nay, nhiều đoạn trên sông Hậu, độ sâu khoảng 3m nên chỉ đáp ứng được tàu ra vào khoảng 7.000 tấn; do đó, để phát huy được toàn bộ các cảng đã đầu tư (8 cảng với tổng năng lực thông quan gần 20 triệu tấn hàng hóa/năm) cho tàu ra, vào 10-20 nghìn tấn, thì độ sâu của luồng phải từ 6,5m trở lên.

Về chính sách Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 50% sản lượng gạo, 65% thủy, hải sản và 70% rau quả cả nước, kim ngạch xuất khẩu nông sản hằng năm đạt 18 tỷ USD. Tuy nhiên, toàn vùng hiện nay chưa có trung tâm logistics cấp II theo quy hoạch tại Cần Thơ, chủ yếu chỉ dừng lại ở hệ thống kho trong các cảng biển, kho lạnh riêng lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu tập kết và cung ứng hàng xuất khẩu mang quy mô vùng. Tỷ lệ chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng chưa cao, nhất là trái cây. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp.

Ngoài ra, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua, các sản phẩm nông nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long không tiêu thụ được nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp. Do vậy, trung tâm liên kết hình thành là cần thiết để tạo hệ thống logistics liên hoàn, tận dụng được ưu thế hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển, đường hàng không và giải quyết các vấn đề bất cập đã nêu.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết của việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, thống nhất hồ sơ Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp không thường kỳ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến vào một số nội dung dự thảo Nghị quyết tại đợt 2 của Phiên họp thứ 6 trước khi trình Quốc hội.

Tại phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường  vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục