Ứng dụng các công nghệ, cảnh báo sớm về diễn biến chất lượng môi trường

14:45' - 16/05/2022
BNEWS Ngày 16/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2021, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực môi trường.

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (2002-2022), Ngày Khoa học và Công nghệ (18/5) nhằm tổng kết, đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ nổi bật giai đoạn 2011-2021; giới thiệu một số kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ; đồng thời xác định các định hướng nghiên cứu, các giải pháp để thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ trong thời gian tới.

 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, giai đoạn 2011-2021, Bộ đã triển khai thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

Các chương trình khoa học – công nghệ đã góp phần cung cấp cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; cụ thể là xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, xây dựng cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn để xây dựng, triển khai các mô hình, giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, việc triển khai các chương trình khoa học - công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường đã góp phần từng bước đẩy mạnh triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong dự báo, phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục sự cố, xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường, quản lý chất thải, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường như: thiếu cơ chế phối hợp để thu hút chất xám và động viên các nhà khoa học trong nghiên cứu triển khai khoa học và công nghệ môi trường. Các đề tài về giải pháp, mô hình công nghệ, kỹ thuật còn chưa nhiều, kết quả nghiên cứu chưa được triển khai phổ biến, áp dụng rộng rãi.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhận định, mặc dù đã có các nghiên cứu về giải pháp, kỹ thuật công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện vùng, miền địa phương, đặc biệt tại các khu vực làng nghề, nông thôn hoặc tại các lưu vực sông… tuy nhiên chưa tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách, còn dàn trải.

Từ kết quả giai đoạn 2011-2021, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để hoàn thiện và triển khai có hiệu quả thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường; nghiên cứu, đề xuất các công cụ, mô hình quản lý mới nhằm bảo vệ môi trường và bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong điểu kiện hội nhập quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Bộ sẽ tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình dự báo, giám sát, cảnh báo sớm diễn biến chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Cùng với đó, các chương trình khoa học – công nghệ trong giai đoạn tới của Bộ sẽ hướng đến nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp điều kiện Việt Nam trong ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm; cải tạo, phục hồi môi trường; quản lý chất thải; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, hướng đến mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng “0”.

Tại Hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia góp ý, trao đổi thảo luận về định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường trong thời gian tới; xác định những lĩnh vực trọng tâm cần triển khai.

Các đại biểu thảo luận, chỉ rõ những giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay, đặc biệt là các giải pháp nhằm có thể điều chỉnh trong khuôn khổ trách nhiệm quản lý của Bộ như cơ chế, thủ tục quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đầu tư nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ; tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý với các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học và với các địa phương; thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển; phát triển nguồn nhân lực…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục