Ứng dụng Canva từng bị từ chối 100 lần khi gọi vốn

09:39' - 05/12/2022
BNEWS Nếu là người đam mê thiết kế, sáng tạo hoặc làm nội dung chắc hẳn các bạn sẽ không còn xa lạ với ứng dụng Canva.

Với nguồn tài nguyên phong phú, đẹp mắt và thao tác đơn giản, dễ thực hiện, Canva được xem là công cụ thiết kế được ưa chuộng cho cả dân chuyên nghiệp và người mới thực hành thiết kế.

 

Với nguồn cảm hứng muốn "trao quyền cho mọi người trên thế giới thiết kế mọi thứ và đăng tải ở bất cứ nơi đâu", các nhà sáng lập Melanie Perkins, Cliff Obrecht đã cho ra mắt ứng dụng Canva vào năm 2013.

*Ý tưởng khởi nghiệp

Khi chỉ mới là sinh viên năm nhất của khoa truyền thông kỹ thuật số của trường đại học Perth ở Australia, Melanie Perkins, 19 tuổi, có niềm yêu thích với lĩnh vực thiết kế đồ họa và các kỹ năng của cô được đánh giá là vượt xa bạn bè đồng trang lứa. Thậm chí, cô còn được mời giảng dạy tại các hội thảo về thiết kế đồ họa cho sinh viên thuộc các khoa khác.

Nhờ kinh nghiệm tích lũy trong thời gian đó, Melanie Perkins nhận ra rằng hầu hết mọi người đều gặp khó khăn khi sử dụng các phần mềm thiết kế phức tạp, khó hiểu đang có trên thị trường. Và thế là cô nung nấu ý tưởng tạo ra một công cụ thiết kế đồ họa thân thiện, dễ sử dụng hơn cho số đông.

 

Đến năm 2007, một chương trình thiết kế đồ họa dễ sử dụng cho phép các trường học, học sinh, sinh viên có thể tự làm kỷ yếu cho mình mang tên Fusion Yearbooks ra đời, đây cũng là tiền thân của Canva bây giờ.

Lúc đó, cô không hề có bất kỳ kinh nghiệm kinh doanh hay tiếp thị sản phẩm nào. Nhưng cô cho rằng, chính sự thiếu kinh nghiệm đó đã giúp mình có được sự tự tin rằng thành lập một công ty không phải chuyện quá khó.

Melanie Perkins cùng bạn trai là Cliff Obrecht đã vay ngân hàng 5.000 USD làm chi phí quảng cáo trực tuyến cũng như gửi các cuốn kỷ yếu mẫu đến trường học.

Khách hàng đầu tiên của họ là một trường học Pháp ở Sydney năm 2008. Họ đã bán được sản phẩm cho 15 trường trong năm đầu tiên, 30 trường trong năm thứ hai và 80 trường trong năm thứ ba.

*Từng bị từ chối 100 lần

Bước vào thị trường đã có những "ông lớn" đáng gờm như Microsoft, Adobe dĩ nhiên Canva sẽ gặp nhiều khó khăn. Giống như các start-up khác, Canva khởi đầu như một doanh nghiệp thiết kế nhỏ và khiêm tốn.

Trong quá trình gọi vốn để phát triển công nghệ Canva, Melanie Perkins đã từng ngậm ngùi nhận hơn 100 lời từ chối từ các nhà đầu tư lớn nhỏ.

Vào năm 2010, cơ hội mới mở ra khi Melanie Perkins và Cliff Obrecht tham dự giải thưởng Innovator of the Year của thành phố Perth để trình bày về ý tưởng khởi nghiệp công nghệ của mình.

Tại đây, cô đã gặp nhà đầu tư mạo hiểm Bill Tai của thung lũng Silicon, nhà sáng lập của MaiTai Global. Nắm bắt thời cơ nên Melanie Perkins đã chuẩn bị rất tốt và sau vài giờ thuyết trình, nhà đầu tư mạo hiểm đã vô cùng ấn tượng và giúp cô kết nối với những mối quan hệ của ông.

Perkins và Obrecht tiếp tục tìm kiếm hy vọng cho giấc mơ startup của mình tại MaiTai. MaiTai là nơi trú ẩn độc đáo của Tai và hội các nhà đầu tư mạo hiểm đặc biệt là đam mê lướt ván diều. Để tạo mối quan hệ ở MaiTai, Perkins phải học chơi môn thể thao này một cách nhanh chóng. Chính sở thích mới và nguy hiểm này trở thành chìa khóa cho chiến lược kêu gọi vốn của họ.

*"Gặt hái trái ngọt"

Chỉ trong chín năm, Canva đã có giá trị vào khoảng 40 tỷ USD và giúp Melanie Perkins và Cliff Obrecht nằm trong số 10 người giàu có nhất Australia, theo Australian Financial Review.

Canva đã trở thành "kỳ lân" khởi nghiệp lớn thứ hai ở Australia, sau công ty kinh doanh phần mềm công nghệ Atlassian, được thành lập vào năm 2002 bởi Mike Cannon-Brookes và Scott Farquhar. Atlassian hiện có hơn 5.000 nhân viên với 12 văn phòng trên 7 quốc gia, bao gồm Hà Lan, Mỹ, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Tháng 4/2021, Canva đã thông báo doanh thu hàng năm vượt 500 triệu USD (657 triệu AUD), tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ tăng trưởng của Canva có thể được so sánh với Atlassian, công ty không đạt ngưỡng doanh thu 500 triệu USD cho đến năm 2017, trong khi ông trùm hội nghị truyền hình Zoom được thành lập vào năm 2011 và doanh thu chỉ vượt 500 triệu USD lần đầu tiên vào năm 2019.

Không giống như Atlassian, Canva vẫn là một công ty tư nhân. Doanh nghiệp có trụ sở tại Sydney, có 2.000 nhân viên, thông báo đã tăng gấp đôi số người dùng hoạt động hàng tháng lên 60 triệu và có ba triệu khách hàng trả tiền.

Sản phẩm "Presentations"của Canva hiện đang được sử dụng tại 85% công ty trong danh sách Fortune 500, bao gồm American Airlines, Live Nation, Kimberly-Clark, McKinsey và Salesforce.

Trong tháng 11/2022, Canva đã thông báo rằng hơn 100 triệu người ở 190 quốc gia đang sử dụng nền tảng này mỗi tháng. Mức tăng trưởng đột biến này là nhờ sau khi Canva ra mắt Visual Worksuite gần đây, trong đó nền tảng này đã thu hút thêm hơn 15 triệu người dùng hoạt động hàng tháng khi các nhóm, trường học và nơi làm việc tận dụng khả năng giao tiếp trực quan, trên mọi thiết bị, từ mọi nơi trên thế giới.

Melanie Perkins đã bày tỏ sự tự hào khi đánh dấu thời điểm quan trọng này trong sứ mệnh trao quyền cho cả thế giới thiết kế. Theo cô, giao tiếp bằng hình ảnh giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết.

Sự phát triển liên tục của Canva cho thấy nhu cầu rất lớn đối với một nền tảng hợp tác, đơn giản và tất cả trong một, trao quyền cho tất cả các loại nhóm, ở tất cả các loại nơi làm việc, để giải phóng khả năng sáng tạo của họ và đạt được mục tiêu của họ mà không gặp rắc rối.

Giống như nhiều doanh nghiệp công nghệ khác, đại dịch COVID-19 đã mang đến cơ hội thúc đẩy sự gia tăng người dùng của Canva (cả miễn phí lẫn trả phí). Nắm bắt nhu cầu này, Canva dần chuyển mình phát triển thành một ứng dụng có thể cộng tác thiết kế theo thời gian thực mang đến nhiều trải nghiệm thú vị giúp nền tảng này có thể cạnh tranh với những ông lớn khác cùng ngành.

Xu hướng làm việc dần thay đổi sang chuyển đổi số, dịch COVID-19 là bước đệm cho Canva "toả sáng" thế mạnh vốn có của mình. Trong tương lai, Melanie Perkins sẽ thực hiện chiến lược mở rộng phạm vi hoạt động, song song đó là không ngừng phát triển hệ sinh thái sẽ giúp Canva giữ vững vị thế trên thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục