Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản

12:51' - 16/05/2018
BNEWS Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của tỉnh Kiên Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản để nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh 240.630 ha; trong đó tôm - lúa, tôm quảng canh 119.500 ha; nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp 2.152 ha; tổng sản lượng hơn 61.000 tấn/năm; nuôi cua biển 57.500 ha, sản lượng hơn 5.500 tấn/năm; nhuyễn thể, gồm: sò huyết, sò lông, nghêu, hến biển,… khoảng 20.725 ha và hơn 2.850 lồng nuôi cá biển ở các đảo, vùng ven biển, sản lượng 2.720 tấn/năm.

Trong thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bước đầu đạt được những kết quả đáng kể. Theo đó, tỉnh công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kiên Lương thuộc Công ty cổ phần Trung Sơn phát triển nuôi tôm.

Tiếp đến, ứng dụng công nghệ lồng nuôi Nauy (lồng tròn) trong nuôi cá lồng bè trên biển phát triển nuôi được xa bờ, lồng nuôi có tính chịu lực tốt, ít chịu tác động môi trường, cho năng suất cao, kiểm soát tốt tác động các yếu tố môi trường đã được Công ty Trấn Phú áp dụng thành công tại Phú Quốc nuôi các đối tượng như: cá chim trắng, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá bóp, cá mú,…

Toàn tỉnh hiện có khoảng 300 ha nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-biofloc, Biofloc,… năng suất tôm từ 10 - 12 tấn/ha tăng lên 30 - 50 tấn/ha.

Ông Đặng Khánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, trung tâm đã thực hiện 9 điểm trình diễn, chuyển giao quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn trong ao lót bạt cho người nuôi tôm tại các huyện vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp. Mô hình đạt hiệu quả kinh tế khá cao, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/vụ/điểm đang được chuyển giao, nhân rộng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chứng nhận VietGAP tôm thẻ chân trắng cho một số hộ nuôi và 1 câu lạc bộ nuôi tôm ở huyện Kiên Lương, 2 trại thực nghiệm sản xuất giống thủy sản ở 2 huyện Kiên Lương, An Biên và thị xã Hà Tiên với hơn 28 ha.

Chứng nhận VietGAP trên tôm sú cho Tổ hợp tác tôm - lúa Thạnh Hòa (An Minh) gần 10 ha và các hộ nuôi trong dự án ICMP với 8 ha tại xã Nam Thái A (An Biên). Chứng nhận VietGAP cá chạch bùn cho 6 hộ nuôi tại huyện Châu Thành và Giồng Riềng.

Ngoài ra, để nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, giới thiệu đến người tiêu dùng những đặc sản vùng miền, chỉ dẫn địa lý, được bảo hộ nhãn hiệu - thương hiệu, tỉnh đã chứng nhận và cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho nhiều tập thể, với nhiều đối tượng sản phẩm.

Cụ thể như: Mật ong U Minh Thượng, khô cá sặc rằn U Minh Thượng, mắm cá lưỡi trâu U Minh Thượng, sò huyết An Biên - An Minh, vọp U Minh Thượng, cá trê vàng vùng đệm U Minh Thượng…

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang khẳng định, với những tiềm năng, lợi thế về đất đai, môi trường sinh thái cho phép Kiên Giang phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, hiện đại, đạt năng suất, đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Xét về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, thực lực… tỉnh đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp công nghệ cao; trong đó, có nuôi trồng thủy sản. Tỉnh hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 20 - 30% diện tích nuôi tôm nước lợ công nghiệp ứng dụng công nghệ Semi-biofloc, Biofloc, công nghệ nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn trong ao lót bạt và siêu thâm canh tôm chân trắng trên hồ trải bạt; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 265.500 tấn, riêng tôm nuôi đạt 80.000 tấn. Tăng số lồng nuôi áp dụng công nghệ nuôi mới - công nghệ Nauy, trong phát triển nuôi cá lồng bè trên biển.

Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư hệ thống điện, hệ thống kênh cấp và tiêu thoát nước hoàn chỉnh, xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động… Xây dựng vùng nuôi tôm công nghệ cao, áp dụng đồng bộ các quy trình nuôi thâm canh và siêu thâm canh đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP,… Riêng vùng nuôi tôm - lúa quảng canh xây dựng thương hiệu tôm sinh thái và lúa hữu cơ.

Hiện nay, một số địa phương đã có kế hoạch thực hiện về chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm thủy sản như: tôm, cua biển, sò huyết, cá bống mú, vẹm xanh (vùng U Minh Thượng); cá nuôi lồng bè trên biển ở Kiên Hải, Phú Quốc Kiên Lương…/.

>>>Xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 2,4 tỷ USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục