Ứng dụng công nghệ, giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu gia vị, nông sản và rau quả

14:34' - 27/09/2023
BNEWS Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác thì cần tăng cường đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để nhanh chóng tiếp nhận, làm chủ công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam (SFV – Export) và Đề án Ngân sách Nhà nước nhằm “Đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác chiến lược, quan trọng”, ngày 27/9 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Ứng dụng công nghệ - Đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam”.

Sự kiện nhằm mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam, xây dựng thương hiệu bền vững cho doanh nghiệp nông sản và tăng cường năng lực xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường trọng điểm, thị trường của các đối tác chiến lược, quan trọng của Việt Nam như thị trường Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều quốc gia khác.

Tại sự kiện, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phản ánh thực trạng nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp. Theo đó, lĩnh vực này đang ngày càng được quan tâm và nhân rộng trên cả nước với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới tích hợp nhiều công nghệ cao, ứng dụng BigData (dữ liệu lớn), IoT (Internet vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc quản lý và chăm sóc cây trồng, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất, tự động hóa và chế biến sâu sau thu hoạch...

 

Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp, như sản xuất nông nghiệp chủ yếu là các hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp chưa cao, thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định, cơ chế, chính sách khuyến khích chưa đáp ứng kịp thời cụ thể, chưa có chính sách thực sự hấp dẫn để thu hút được nhiều doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ; chưa có chính sách hỗ trợ về đầu tư mạo hiểm; chính sách tín dụng chưa hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và sàn giao dịch công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu và yếu, ông Nghiệm cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách, Bộ Công Thương ghi nhận, trong bối cảnh chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu hàng hóa đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%; xuất khẩu lâm sản đạt 8,95 tỷ USD, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngược lại với bối cảnh chung của xuất nhập khẩu hàng hóa nêu trên, 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 16,9 tỷ USD, tăng 11,5 % đóng góp bởi giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 3,55 tỷ USD, tăng 61,8%; gạo 3,17 tỷ USD, tăng 36,1%; hạt điều 2,23 tỷ USD, tăng 8,9%; cà phê 2,94 tỷ USD, tăng 2,3%.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong hội nhập, ông Nguyễn Văn Hội thẳng thắn thừa nhận sự chủ động hội nhập chưa cao. Mức độ sẵn sàng cho hội nhập của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn khiêm tốn. Việc khai thác cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi cam kết trong các FTA cho phát triển thị trường xuất khẩu nông sản thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Việc xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển các ngành chưa phù hợp, chưa tiếp cận sát với nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam mới chú trọng đến số lượng mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng hay hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường, chưa thu hút được công nghệ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Việt Nam còn thiếu chính sách khuyến khích, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp FDI để nâng cao sức mạnh tổng hợp về vốn, công nghệ, trình độ quản lý khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu....

Trước thực tế này, ông Nghiệm khuyến nghị Chính phủ, tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích như: tích tụ, tập trung ruộng đất; Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; chính sách tài chính, tín dụng ưu đãi linh hoạt…; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp; tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ nông nghiệp với các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trong khu vực và quốc tế; đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp; phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong ngành nông nghiệp, hình thành sàn giao dịch công nghệ ngành nông nghiệp và xây dựng để đưa vào hoạt động có hiệu quả các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác thì cần tăng cường đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ: công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp thông minh, quản trị quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản xuất, quy mô hàng hoá; đẩy mạnh hợp tác với các nhà khoa học, các chuyên gia để nhanh chóng tiếp nhận, làm chủ công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Song song đó, nhất thiết cần nâng cao trình độ, năng lực để nhanh chóng tiếp nhận, vận hành các công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, ông Nghiệm nhấn mạnh.

Ở góc độ nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Hội cũng đưa ra những giải pháp riêng về thúc đẩy xuất khẩu gia vị, rau quả. Theo đó, phát triển các loại hình dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics xuất khẩu gia vị, rau quả.

Cùng với đó, thúc đẩy xuất khẩu gia vị, rau quả cần gắn với đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kế đến là đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất khẩu gia vị, rau quả thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Ngoài ra, ông Hội cho rằng cần nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Cuối cùng là tăng tỷ trọng các sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục