Ứng dụng công nghệ mới vào quản lý, giám sát và vận hành lưới điện

15:44' - 26/05/2025
BNEWS Giai đoạn 2025-2030 là thời kỳ bứt phá, đưa Tổng công ty vươn lên mạnh mẽ, trở thành lực lượng nòng cốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chuyển đổi số ngành điện.

Tận dụng những ưu thế vượt trội của công nghệ số, các công ty điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) - đơn vị đang quản lý cấp điện tại 27 tỉnh, thành phố phía Bắc (trừ Hà Nội) đang đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào quản lý, giám sát và vận hành lưới điện. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ số.

Ông Phạm Văn Thái, Giám đốc Điện lực khu vực Mộc Châu- Vân Hồ cho biết: Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành điện, đơn vị xác định đây là hướng đi tất yếu để nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành và phục vụ khách hàng.

Điện lực khu vực Mộc Châu Vân Hồ đã triển khai nhiều nội dung cụ thể như: Số hóa toàn bộ hồ sơ quản lý kỹ thuật vận hành khách hàng trên phần mềm dùng chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); ứng dụng hệ thống đo xa 100% cho phép theo dõi chỉ số điện theo thời gian thực, không cần ghi số thủ công, đồng thời thúc đẩy các dịch vụ trực tuyến cấp độ 4.

Ông Phạm Văn Thái, Giám đốc Điện lực khu vực Mộc Châu- Vân Hồ. Ảnh: Văn Giáp/Bnews/vnanet.vn

Khách hàng có thể đăng ký, theo dõi, thanh toán và đánh giá dịch vụ điện qua nền tảng số mà không cần đến trực tiếp. Bên cạnh đó, đơn vị có triển khai việc kiểm tra, giám sát mua bán điện qua các thiết bị di động phần mềm AI, hệ thống hỗ trợ giám sát nội bộ giúp tăng năng suất và tính minh bạch.

Với đặc thù là đơn vị miền núi, địa bàn rất rộng, tại trung tâm Điện lực khu vực Mộc Châu-Vân Hồ để đến điểm xa nhất lên tới hàng trăm km. Địa bàn lưới điện trải rộng trên các sườn đồi, núi, trong mùa mưa bão việc vận hành lưới điện rất khó khăn, vất vả cho cán bộ, công nhân viên.

Do đó, đơn vị đã áp dụng công nghệ 4.0 như flycam (thiết bị bay điều khiển từ xa, được trang bị camera giúp quay phim, chụp ảnh từ trên cao) để kiểm tra, dùng camera nhiệt, ứng dụng triệt để những kỹ thuật tiên tiến vào quản lý và vận hành lưới điện để giảm vất vả cho cán bộ, nhân viên.

Với địa bàn rộng, đơn vị cũng bố trí thêm những tổ cụm để vận hành lưới điện gần với khách hàng, khi có sự cố sẽ có thể giải quyết được ngay.

“Khi sự cố xảy ra, người dân báo đến trung tâm chăm sóc khách hàng, tổ trực điện lực 24/24h. Ngành điện sẽ phối hợp với người dân tìm sự cố; áp dụng công nghệ, phân vùng, xử lý nhanh sự cố đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, liên tục”, ông Thái nói.

Lưới điện trên địa bàn rộng, đường đi lại khó khăn, ý thức của người dân, khách hàng sử dụng điện chưa cao, chưa hiểu hết về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và vẫn còn tình trạng vi phạm hành lang lưới điện. Ngành điện lực đã phối hợp với UBND thị xã Mộc Châu và huyện Vân Hồ tuyên truyền cho người dân hiểu và có ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Theo ông Thái, nhờ sự đồng hành của người dân báo đến Trung tâm chăm sóc khách hàng, tổ trực điện lực 24/24h những sự cố, ngành điện đã áp dụng công nghệ để xử lý kịp thời, đảm bảo việc cung cấp điện trở lại nhanh hơn.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tự động hóa lưới điện, nâng cấp hệ thống điều khiển từ xa; từng bước hiện đại hóa lưới điện khu vực và nâng cao năng lực truyền tải, đào tạo về chuyển đổi số cho cán bộ, công nhân viên. Từ đó, đảm bảo làm chủ công nghệ, đẩy mạnh truyền thông đến người dân về các tiện ích số của ngành điện để khách hàng chủ động sử dụng điện hiệu quả, an toàn, văn minh”, ông Thái chia sẻ.

Ông Phạm Văn Toàn, Đội trưởng đội sửa chữa hotline, Công ty Điện lực Sơn La (PC sơn La) cho biết: Công ty điện Sơn La đã triển khai từ cách đây 3 năm (từ năm 2021) công nghệ sửa chữa hotline. Việc áp dụng công nghệ này đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giúp đơn vị xử lý sự cố, bảo trì lưới điện mà không cần phải cắt điện.

Qua đó, giảm thiểu tối đa thời gian mất điện cho khách hàng, đảm bảo cung cấp điện liên tục và an toàn, đặc biệt trong thời điểm cao điểm mùa nắng nóng hoặc tại các khu vực trọng yếu như biên giới, cửa khẩu. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ có uy tín của ngành điện.

Từ đầu năm đến nay, Đội sửa chữa hotline đã thực hiện hơn 200 công việc trên lưới điện, trong đó có hơn 20 công việc nội đã kịp thời can thiệp, ngăn chặn thiết bị có nguy cơ sự cố trên lưới điện.

Việc ứng dụng sửa chữa hotline đã giúp đội tiếp cận được những vị trí di chuyển không được thuận tiện, đặc biệt là địa hình miền núi phức tạp, đảm bảo khắc phục sự cố cũng như độ tin cậy cung cấp điện.

Hiện nay, việc áp dụng công nghệ sửa chữa hotline không chỉ ở tỉnh Sơn La mà còn đang thực hiện cho những đơn vị lân cận, những địa phương có nhu cầu cần sửa chữa.

Công việc hotline yêu cầu mức độ an toàn rất cao, công nhân đội sửa chữa hotline phải đảm bảo sức khỏe và kỹ năng thành thạo, có thâm niên trong nghề ít nhất 3 năm. Sau đó, những cán bộ, công nhân này được cử đi đào tạo tại các trường chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La (PC Sơn La) cho biết, PC Sơn La là đơn vị của EVNNPC tiên phong trong chuyển đổi số khi xây dựng các trung tâm điều khiển tự động và đưa vào vận hành hiệu quả từ năm 2015. Qua 10 năm đi vào hoạt động, Công ty đã và đang tiếp tục cải tạo, nâng cấp trung tâm để nâng cao chất lượng cung cấp điện đến khách hàng trên địa bàn tỉnh.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, vận hành hệ thống điện được đẩy mạnh, là mục tiêu phấn đấu của EVNNPC.

Tại Đại hội Đảng bộ EVNNPC lần thứ XXIII được tổ chức hồi cuối tháng 4/2025,  ông Vũ Thế Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, giai đoạn 2025-2030 là thời kỳ bứt phá, đưa Tổng công ty vươn lên mạnh mẽ, trở thành lực lượng nòng cốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chuyển đổi số ngành điện.

Đến hết năm 2025, EVNNPC cơ bản trở thành doanh nghiệp số. Năm 2027, doanh nghiệp sẽ ứng dụng hiệu quả, toàn diện AI trong các lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đến năm 2030 là một trong những đơn vị dẫn đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ông Đặng Hoàng An, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch EVN cho rằng, EVNNPC có nhiệm vụ cung ứng điện cho 27 tỉnh, thành, với gần 12.000.000 khách hàng, do đó đây là nhiệm vụ khó khăn, rất phức tạp, cam go, nhất là trong bối cảnh kết cấu phân bố nguồn chưa đảm bảo cho miền Bắc có thể tự lực. Do đó, EVNNPC cần đặt ra các mục tiêu cụ thể.

Ông An đánh giá cao việc áp dụng chuyển đổi số tại EVNNPC, Tổng công ty đang dẫn đầu về chuyển đổi số. Quan trọng là Tổng công ty đã tự lực được sản phẩm áp dụng cho 70 trạm biến áp trên tổng số 364 trạm biến áp của VNNPC. Đây là mong ước rất nhiều năm và tới nay mới làm được. Về khoa học công nghệ, đã xây phòng thí nghiệm trọng điểm do EVNNPC tự đầu tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục