Ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

18:03' - 06/06/2018
BNEWS Đầu tư vào khoa học công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TTXVN

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp do Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA) phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 6/6.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch HUBA cho biết, số lượng doanh nghiệp Việt Nam nhiều và gia tăng liên tục nhưng có tới 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ. Thực trạng chung của các doanh nghiệp này là sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động quá thấp.

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam không ngừng tăng lên nhưng thực chất giá trị thu được của doanh nghiệp Việt là rất ít. Cụ thể, 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một ví dụ khác là 44% sản phẩm giày của Adidas được sản xuất tại Việt Nam nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của thương hiệu này.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, nguyên nhân là do doanh nghiệp nhỏ thường gặp khó về tài chính, nhân lực và thông tin để thay đổi công nghệ sản xuất. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Thực tế, doanh nghiệp có rất ít thông tin về các chương trình hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ của Nhà nước hoặc biết nhưng không tiếp cận được. Điển hình như để tiếp cận Quỹ phát triển khoa học công nghệ phải trải qua quy trình xét duyệt rất rườm rà và kéo dài, đến khi được xét duyệt thì doanh nghiệp đã hết cơ hội phát triển sản phẩm mới.

Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch TriTriGroup thì cho rằng, năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam hạn chế do ít cập nhật sự thay đổi của thị trường và công nghệ. Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang tập trung đầu tư vào nguyên liệu và lao động. Trong khi đó hàm lượng nguyên vật liệu và lao động ngày càng nhỏ trong các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng, cần cải thiện hiệu quả của các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ của Nhà nước.

Cụ thể, phải đảm bảo hiệu quả thực thi từ khi ban hành chính sách đến người thực hiện xét duyệt hồ sơ. Đồng thời, cắt giảm những thủ tục, giấy tờ không cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhanh nhất.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh việc dự báo thông tin thị trường, giúp doanh nghiệp yên tâm mạnh dạn đầu tư vào công nghệ sản xuất.

Các doanh nghiệp cho rằng, muốn đầu tư đổi mới công nghệ, doanh nghiệp phải có vốn, nhưng thực tế, hầu hết doanh nghiệp nhỏ đã tập trung nguồn lực tài chính vào mua nguyên liệu và trả lương cho người lao động. Vì vậy, để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cần tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng cũng như các quỹ đầu tư dành cho khoa học công nghệ.

Ông Lý Trường Chiến khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với những biến động của thị trường thông qua đổi mới tư duy sản xuất và tư duy quản trị. Cụ thể, doanh nghiệp phải đánh giá được trình độ công nghệ của mình so với bối cảnh chung từ đó có giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Đầu tư phát triển công nghệ là cần thiết, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến việc sử dụng hiệu quả, linh hoạt các nền tảng công nghệ mới có thể chiếm lĩnh thị trường. Do đó, quan trọng nhất vẫn là đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có đủ khả năng ứng dụng và khai thác những lợi ích của công nghệ vào sản xuất, kinh doanh./.

>>>Ứng dụng công nghệ mới phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt Nam – Nhật Bản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục