Ứng dụng công nghệ sấy để nâng cao giá trị của nông sản

18:07' - 23/11/2024
BNEWS Chiều 21/11, tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị đánh giá xu hướng công nghệ sấy nông sản. Hội nghị có sự tham gia của các diễn giả, nhà khoa học đến từ viện, trường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội nghị tập trung các vấn đề về xử lý sau thu hoạch, bảo quản và chế biến đa dạng hóa một số sản phẩm từ nông thủy sản phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long và tiềm năng thương mại hóa. Các vấn đề nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sấy; phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong kỹ thuật sấy nông sản; quy trình công nghệ sản xuất, tiêu chuẩn xuất khẩu nước giải khát…
                               
Diễn giả trả lời các vấn đề doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm. Ảnh: Nguyễn Hằng - TTXVN

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang Nguyễn Huỳnh Phước nhấn mạnh, hội nghị là dịp để cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thành tựu khoa học và công nghệ, kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đồng hành cùng doanh nghiệp. Thông qua hội nghị giúp kết nối ý tưởng, phổ biến xu hướng công nghệ sấy nông sản, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thanh Quế (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta đã có nhiều bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 8 - 10%. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến nông, lâm, thủy sản hiện nay chưa tương xứng tiềm năng, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của ngành Nông nghiệp.

 
Theo các diễn giả, từ lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, việc áp dụng biện pháp kỹ thuật mới trong quy trình thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm từ nông thủy sản giúp giảm tổn thất, tăng thời gian bảo quản, lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng phù hợp yêu cầu trong nước và thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa (Trường Đại Công Thương Thành Phố Hồ Chí Minh) cho biết, quá trình sấy sẽ làm giảm hàm lượng ẩm bên trong nguyên liệu dựa vào sự chênh lệch về áp suất hơi riêng phần giữa bề mặt vật liệu sấy và tác nhân sấy. Hiện nay, phương pháp sấy sử dụng nhiệt rất phổ biến, với tác nhân sấy là không khí nóng. Một số phương pháp được áp dụng như sấy bằng năng lượng mặt trời, sấy đối lưu, sấy hồng ngoại, sấy phun, sấy thăng hoa…Bà Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh. Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sấy trên các loại nông sản đặc trưng, chủ lực được kỳ vọng đóng góp tích cực cho lĩnh vực nông nghiệp, trở thành nguyên liệu chính của ngành công nghiệp chế biến, vừa tạo đầu ra ổn định cho nông sản vừa tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, tạo thương hiệu đặc trưng của tỉnh góp phần phát triển du lịch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có khoảng 46.000 ha cây ăn trái, chủ yếu là mít, cam, chanh, dứa, sầu riêng, mãng cầu, măng cụt… khoảng 13.000 ha thủy sản.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục