Ứng dụng công nghệ thâm canh vụ Đông Xuân ở vùng ngọt hóa Gò Công

09:21' - 04/12/2024
BNEWS Mục tiêu nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương đang triển khai xuống giống khoảng 20.000 ha lúa vụ Đông Xuân 2024 – 2025 tại các huyện vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh với quyết tâm ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh, giành vụ sản xuất mới thắng lợi với sản lượng thu hoạch trên 129.000 tấn lúa hàng hóa.

Dựa vào tình hình thực tế trong vùng cũng như dự báo thời tiết, thủy văn mùa khô 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phân bố lịch thời vụ xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy hiệu quả với mục tiêu dứt điểm trong tháng 12/2024 để thu hoạch trước khi hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô vào cao điểm không thể gây hại; triển khai nhiều giải pháp thích hợp nâng chất lượng hạt gạo xuất khẩu thông qua khuyến cáo nông dân sử dụng phổ biến các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn và chịu mặn tốt như: VD 20, OM 6976, OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 5451…

Đặc biệt là ưu tiên các giống lúa được thương lái hoặc doanh nghiệp liên kết sản xuất - tiêu thụ, bao tiêu, đầu ra thuận lợi và nông dân bán được giá.

Ngay từ đầu vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng các huyện, thành phố trong vùng tăng cường tập huấn, tuyên truyền đến tận hộ nông dân về việc chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình thâm canh mà trọng tâm là áp dụng IPM, 1 phải 5 giảm trên cây lúa, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, trung vi lượng tăng khả năng chống chịu trà lúa; thâm canh theo hướng hữu cơ, VietGAP giúp nông dân tiết giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả từ trồng lúa vừa bảo vệ môi sinh, môi trường giúp phát triển bền vững nghề trồng lúa thích ứng biến đổi khí hậu tại các huyện, thành phố vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh.

Nông dân được khuyến cáo sử dụng công cụ sạ hàng hoặc máy cấy lúa 3 trong 1, sạ thưa với mật độ gieo sạ bình quân từ 80 đến 100 kg giống/ha kết hợp sử dụng giống lúa xác nhận, giúp tiết kiệm hạt giống, hạn chế sâu bệnh gây hại đồng thời bón phân cân đối giúp lúa phát triển tốt, chất lượng lúa hàng hóa nâng lên. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, từ làm đất, gieo sạ đến thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, giảm được thất thoát.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cùng các địa phương trong vùng ngọt hóa Gò Công tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình và sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ khi thu hoạch theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp thông qua tận dụng và tái sử dụng rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp trong quá trình canh tác.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, địa phương đang triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn 07 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm về sản xuất lúa gạo của địa phương là: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Cai Lậy và thành phố Gò Công với quy mô trên 22.100 ha vào năm 2025 và mở rộng lên 29.500 ha vào năm 2030.

Mục tiêu nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; tiến tới thúc đẩy hình thành và phát triển mạng lưới ổn định các hợp tác xã vừa tăng dần tỷ lệ liên kết tiêu thụ qua từng năm, đưa nghề trồng lúa phát triển bền vững tại tinh Tiền Giang.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Lê Thị Thanh Minh cho biết, trong vụ Đông Xuân 2024 – 2025, Gò Công Tây có kế hoạch gieo sạ trên 7.600 ha. Địa phương đăng ký tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” với qui mô 7.254 ha. Dự kiến, Gò Công Tây đầu tư khoảng 95,8 tỷ đồng hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi và các tiện ích hạ tầng phục vụ vùng quy hoạch trong Đề án của tỉnh.

Ngoài ra, để bảo đảm hiệu quả phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2024 – 2025 trong vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang còn tăng cường kiểm tra các công trình cống đập ngăn mặn, kịp thời sửa chữa những cống đập bị hư hỏng trong năm 2024 vừa qua, củng cố hệ thống đê bao cho từng vùng sản xuất đồng thời tiến hành xổ xã, rửa phèn mặn, cải tạo môi trường nước, xây dựng lịch vận hành các công trình thủy lợi hợp lý bảo đảm nâng cao hiệu quả phục vụ sản xuất.

Đối với những địa bàn trũng thấp, Công ty phối hợp cùng các địa phương khuyến cáo nông dân kiện toàn đê bao, củng cố bờ vùng, bờ thửa phòng chống úng ngập cho trà lúa khi các cống vận hành lấy nước ngọt trữ trong nội đồng phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố trong vùng như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thành phố Gò Công cũng tập trung ra quân làm thủy lợi nội đồng mùa khô 2024 - 2025, khai thông dòng chảy, nạo vét các công trình thủy lợi nhằm tạo tiên đề cho nông dân giành vụ sản xuất mới thắng lợi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục