Ứng dụng công nghệ vào sản xuất cho hiệu quả cao ở Ninh Bình

11:04' - 31/05/2024
BNEWS Dù mới chỉ dừng ở mức ứng dụng công nghệ hiện đại ở một số khâu trong sản xuất, tiêu thụ nông sản nhưng chuyển đổi số trong hợp tác xã tại Ninh Bình đã dần hiện hữu, đem lại những tín hiệu tích cực.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số vào chuyển đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đầu tư phát triển đa dạng các kênh bán hàng trực tuyến, từ đó mở rộng đối tượng khách hàng, nâng cao doanh số và gia tăng lợi nhuận. Dù mới chỉ dừng ở mức ứng dụng công nghệ hiện đại ở một số khâu trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhưng chuyển đổi số trong các hợp tác xã tại Ninh Bình đã dần hiện hữu, đem lại những tín hiệu tích cực. Qua đó, góp phần tạo nên sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của hợp tác xã.

Hợp tác xã hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp tỉnh Ninh Bình là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số. Năm 2020, sản phẩm Trà xanh Tâm An Nguyên của hợp tác xã được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tiêu thụ sản phẩm theo cách truyền thống gặp nhiều khó khăn, hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thay thế cho cách bán hàng truyền thống… 

Đáng lưu ý, thông qua các hình thức quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, cũng như quan hệ thống thương mại điện tử, khách hàng có thể ngồi tại nhà lựa chọn và đặt hàng để được giao hàng tận nơi. Đặc biệt, hầu hết sản phẩm đều có mã vạch, tem truy xuất giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ. Hơn nữa, đẩy mạnh giao dịch trên sàn thương mại điện tử đã giúp hợp tác xã vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng doanh thu.

Tương tự, Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn, thành phố Tam Điệp cũng tích cực ứng dụng công nghệ, sử dụng mạng xã hội để mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Theo đó, hợp tác xã đã nhanh chóng chuyển hướng sang bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội… 

Với không gian mua bán hiện đại, được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng thông qua các sàn bán hàng trực tuyến đã giúp hợp tác xã ổn định kinh doanh và chủ động về đầu ra cho sản phẩm của mình. Hiện tại, mỗi năm hợp tác xã cung ứng ra thị trường từ 10.000 đến 12.000 sản phẩm. So với thời điểm ban đầu, doanh thu của hợp tác xã đã tăng gấp 3-4 lần nhờ bán hàng trực tuyến.

Hay như Hợp tác xã Riti (thành phố Ninh Bình) chuyên sản xuất trà hoa cúc chi hữu cơ đã xây dựng xưởng sản xuất phân giun rộng 300m2 nhằm chủ động kiểm soát chất lượng và sản lượng phân bón, đáp ứng đủ cho khu vực canh tác. 

Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình, Hợp tác xã Riti đã sử dụng hệ thống kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm kết hợp với hệ thống IoT dành cho xưởng sản xuất phân giun. Toàn bộ hệ thống thiết bị sản xuất được thông minh hóa và vận hành hoàn toàn tự động. 

Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ giúp xưởng sản xuất phân giun được kiểm soát tốt, việc nuôi giun thuận lợi hơn. Cùng đó, hợp tác xã đã mở rộng từ nuôi 1.500 khay lên 3.000 khay, dự kiến sản lượng phân bón tăng từ 6 tấn lên 15 tấn/tháng. 

Với quy trình sản xuất khép kín theo hướng hữu cơ, sản phẩm trà hoa cúc chi đã được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao. Hiện nay, thị trường tiêu thụ của hợp tác xã tiếp tục được mở rộng, được khách hàng tin dùng và là địa chỉ tin cậy cho các cửa hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm. 

Song hành cùng chuyển đổi số, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn áp dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tạo dấu ấn đậm nét. Điển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Vân Trà, xã Yên Thắng huyện Yên Mô với mô hình trồng rau má VietGAP, hữu cơ.

Thời gian qua, hợp tác xã đã áp dụng kỹ thuật hiện đại nhất trong việc giữ trọn vẹn được độ tươi ngon của sản phẩm, sau khi rau má tươi được rửa sạch sẽ đưa vào sấy lạnh trong 24 giờ, độ ẩm tối ưu trong máy sấy lạnh sẽ giúp rau má giữ nguyên được dược tính, cùng với đó kết hợp đèn UV diệt khuẩn sẽ giúp sản phẩm sau chế biến bảo quản được lâu hơn.

Tiếp theo rau má sẽ được đưa vào nghiền bằng cối đá granite thêm 12 giờ nữa nhằm giữ được nguyên bản mùi vị và màu sắc. Mọi quy trình từ khâu sản xuất đến đóng gói bao bì đều khép kín và được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo tính toán để làm ra 1kg sản phẩm bột rau má thì cần khoảng 10kg nguyên liệu, với giá bán khoảng 1,5 triệu đồng/kg.

Với những bước chuyển lớn sau khi tập trung phát triển vào sản phẩm rau má, Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Trà đã vinh dự đạt được những bằng khen của lãnh đạo huyện nói riêng và lãnh đạo tỉnh nói chung. Đặc biệt là bằng khen của tỉnh Ninh Bình trao tặng cho đơn vị hoàn thành xuất sắc kinh tế- xã hội.

Đặc biệt, Hợp tác xã ốc nhồi Ninh Bình thành phố Tam Điệp tuy mới bước vào thị trường từ năm 2023 nhưng nhờ có hương vị thơm ngon, sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có tem nhãn đầy đủ nên sản phẩm của hợp tác xã được thị trường đón nhận tích cực. Năm 2023 vừa qua, hợp tác xã đã đưa ra thị trường được hơn 11 tấn ốc thương phẩm thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Đại diện Hợp tác xã ốc nhồi Ninh Bình cho biết: Công nghệ số giúp quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tiếp cận được người tiêu dùng nhanh nhất, cắt giảm được nhiều khâu phân phối cồng kênh, tiết kiệm nhiều chi phí phát sinh, nhờ đó mỗi năm hợp tác xã đã tiêu thụ hàng chục tấn ốc hương thương phẩm, không gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Là đơn vị điển hình của kinh tế hợp tác tỉnh Ninh Bình, Hợp tác xã Hợp Tiến có gần 1.200 thành viên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 360 ha và luôn đi đầu trong vận động thành viên dồn điền, đổi thửa kết hợp chỉnh trang, sắp xếp lại đồng ruộng, cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch. Nhờ đó đã giảm số thửa bình quân/hộ từ 3,88 thửa xuống còn 1,3 thửa/hộ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giảm chi phí lao động 250-300 nghìn đồng/sào.

Ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Hợp Tiến cho biết, nhằm đảm bảo cho thành viên yên tâm sản xuất, hợp tác xã đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp phân phối, chế biến nông sản tiêu thụ sản phẩm với sản lượng từ 300 - 400 tấn thóc/năm và đang tiếp tục mở rộng, phát triển dịch vụ này. Thu nhập bình quân đầu người của thành viên hợp tác xã hiện đạt 65 - 70 triệu đồng/năm.

Thống kê cho thấy, tính đến tháng 2/2024 toàn tỉnh Ninh Bình có 504 hợp tác xã; trong đó, có 397 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, 212 hợp tác xã dịch vụ, 185 hợp tác xã chuyên ngành. 

Qua khảo sát có 70% số hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh, xây dựng website, tham gia mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử… để nhanh chóng tiếp cận thị trường. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất kinh doanh đã mang lại lợi nhuận cao hơn cho các hợp tác xã truyền thống từ 2 đến 2,5 lần, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên và giảm nghèo bền vững khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, phần lớn các hợp tác xã đều có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu nên gặp khó trong việc phát triển thị trường. Năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Thực tế lực lượng lao động tại các hợp tác xã chủ yếu làm việc theo phương thức truyền nghề, thực hành tại chỗ. 

Để tháo gỡ khó khăn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình cho biết: Thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động, bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của hợp tác xã trong hoạt động chuyển đổi số để phản ánh đến các sở, ngành có liên quan và UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp. 

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình sẽ thực hiện tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức, tư vấn phương án chuyển đổi số phù hợp cho các hợp tác xã trong xây dựng và nhân rộng một số mô hình chuyển đổi số hiệu quả. 

Ngoài ra, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các mô hình chuyển đổi số trong hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm OCOP và sản phẩm của hợp tác xã nông nghiệp. Đặc biệt, triển khai thí điểm các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ số để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục