Hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam phục vụ hiệu quả quản lý các cấp

12:47' - 02/07/2025
BNEWS Sáng 2/7, Hội thảo tham vấn "Kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam" được tổ chức tại Hà Nội nhằm tham vấn các bên liên quan về nhu cầu sử dụng thông tin khí hậu.
 

Sáng 2/7, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu và Cơ quan Khí tượng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen (UK Met Ofice - UKMO) tổ chức hội thảo tham vấn "Kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam". Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Chương trình WISER (Dịch vụ Thông tin Thời tiết và Khí hậu) khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Bộ Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO) tài trợ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu Phạm Thị Thanh Ngà cho biết, tiếp nối kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020 và trên cơ sở báo cáo thứ 6 (AR6) của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc (IPCC), Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế xây dựng, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam phiên bản năm 2025.

Bản cập nhật này chú trọng vào các hiện tượng khí hậu cực đoan, đặc biệt là cực đoan đô thị và mực nước biển dâng phục vụ sát thực hơn nhu cầu quy hoạch, xây dựng chính sách và ứng phó tại các địa phương.

Đồng thời, kịch bản được thiết kế phù hợp với yêu cầu thông tin của các bộ, ngành, địa phương, các bên liên quan và có tính đến việc thực hiện hợp nhất các tỉnh thành phố và thực hiện chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7, từ đó góp phần hỗ trợ xây dựng các chiến lược quy hoạch hiệu quả tại địa phương và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Hội thảo tham vấn kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam được tổ chức với mục tiêu tham vấn các bên liên quan về nhu cầu sử dụng thông tin khí hậu và cách thể hiện kết quả trong kịch bản biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. 

Đây là dịp để các chuyên gia quốc tế và trong nước, đại diện đến từ sở, ban, ngành, Viện nghiên cứu, trường đại học, các hội như Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam…. cùng trao đổi chuyên sâu về phương pháp, kỹ thuật dự tính khí hậu và nhu cầu sử dụng thông tin trong công tác lập kế hoạch, quản lý và ra quyết định.

"Những chia sẻ, thảo luận và ý kiến đóng góp thu nhận được từ hội thảo sẽ là những đóng góp quý báu, góp phần hoàn thiện cho kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam, qua đó đảm bảo tính ứng dụng cao và phục vụ hiệu quả cho công tác ra quyết định, lập kế hoạch và quản lý ở các cấp", Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phạm Thị Thanh Ngà mong muốn.

Đề cập đến những điểm mới của kịch bản 2025 (so với kịch bản năm 2020) và phương xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam, Tiến sĩ Trương Bá Kiên, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu nhấn mạnh, kịch bản biến đổi khí hậu năm 2025 do Viện Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu xây dựng có nhiều đổi mới căn bản so với bản năm 2020, phản ánh đầy đủ xu hướng khoa học hiện đại và hài hoà các cam kết khí hậu toàn cầu.

Trên cơ sở cập nhật bộ mô hình khí hậu thế hệ mới CMIP6 với độ phân giải cao hơn mô hình GCM và chi tiết hoá động lực (10km), kịch bản 2025 sử dụng ba kịch bản phát thải đại diện SSP1-2.6, SSP2-4.5 và SSP5-8.5 tương ứng với các kịch bản phát triển bền vững, trung bình và phát thải cao, phù hợp với định hướng Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phương pháp tiếp cận trong bản mới có bước chuyển mạnh từ mô tả định tính sang định lượng theo xác suất. Đặc biệt, phương pháp Monte Carlo lần đầu tiên được áp dụng trong xây dựng kịch bản nước biển dâng, cho phép mô phỏng phân phối xác suất của các mức dâng thay vì chỉ đưa ra giá trị trung bình hoặc cực trị như trước.

Nhờ đó, kịch bản có thể cung cấp các mức mực nước biển dâng tương ứng với các ngưỡng tin cậy (P5, P50, P95), hỗ trợ hiệu quả hơn cho đánh giá rủi ro và tổn thất do thiên tai ven biển.

Bên cạnh các yếu tố nền như nhiệt độ và lượng mưa, kịch bản mới mở rộng đáng kể các chỉ số khí hậu cực đoan phục vụ ứng phó và thích ứng như số ngày nắng nóng trên 35 độ C, số đợt mưa lớn ngắn hạn, tần suất rét đậm rét hại, độ ẩm đất, chỉ số khô hạn, số đợt mưa kéo dài...

Những chỉ số này được xây dựng trên bộ dữ liệu khí hậu lịch sử và tương lai có độ phân giải cao quy mô quốc gia từ 10-15km, khu vực từ 5-10km, thành phố, tỉnh 3-5km, giúp mô phỏng sát hơn các hiện tượng thời tiết cực đoan ở quy mô địa phương.

Về hình thức công bố, kịch bản 2025 đổi mới mạnh mẽ khi tích hợp trên nền tảng số, thông qua WebGIS tương tác, giúp người dùng có thể trực tiếp tra cứu, tải dữ liệu và thực hiện phân tích sơ cấp. Dữ liệu mở theo vùng, theo ngành và theo thời đoạn (mùa, năm, 5 năm) giúp tăng khả năng ứng dụng vào quy hoạch, xây dựng, nông nghiệp, y tế, và đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu.

"Kịch bản biến đổi khí hậu 2025 không chỉ là bản cập nhật thông tin, mà là một bước tiến toàn diện về phương pháp, cách tiếp cận và công cụ triển khai – mang lại bức tranh khí hậu tương lai rõ ràng, linh hoạt hơn cho Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cường độ và tính bất định", Tiến sĩ Trương Bá Kiên nhấn mạnh.

Bà Emma Dyer, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen đã trình bày báo cáo “Các kết quả mô hình đối lưu điều chỉnh (CPM) và các phương pháp chuyển tải thông tin”. Trong báo cáo, tập thể tác giả đã chạy mô phòng và dự tính biến đổi khí hậu cho Việt Nam giai đoạn 1970 – 2100 theo kịch bản SSP3-7.0, với  độ phân giải 4x4km bằng mô hình PREICIS với lựa chọn mô hình đối lưu CPM.

Đây là lần đầy tiên, cải tiến mô hình CPM trong mô hình PRECIS được chạy mô phỏng và dự tính kịch bản biến đổi khí hậu cho khu vực nhiệt đới. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các kết quả mô phỏng là khá phù hợp với số liệu quan trắc. Các kết quả dự tính biến đổi khí hậu theo kịch bản SSP3-7.0 cho thấy, nhiệt độ có thể tăng từ khoảng 2 độ C đến 3,7 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ cơ sở. Trong khi đó, mức độ biến đổi về lượng mưa theo phương án mô hình PRECIS-CPM là tăng nhẹ, khoảng 0 đến 4mm/ngày. Tập thể tác giả cũng đưa ra các kịch bản biến đổi khí hậu cho đô thị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các kịch bản biến đổi các hiện tượng cực đoan ở Việt Nam. Ngoài ra, tập thể tác giả cũng cũng đưa ra các giải pháp cung cấp thông tin cho người dùng theo hướng dễ khai thác và sử dụng thông tin.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ  những vấn đề liên quan đến kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, nguy cơ ngập do nước biển dâng, truyền thông kịch bản biến đổi khí hậu cho các nhóm đổi tượng khác nhau...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục