Ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI trong phát triển nông nghiệp sạch

15:51' - 30/10/2022
BNEWS Đồng Nai đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhất là đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI vào sản xuất trồng trọt để phát triển nền nông nghiệp sạch.

Tại Đồng Nai, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI.

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua các địa phương đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhất là đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI (tự ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học, xử lý chuồng trại chăn nuôi) vào sản xuất trồng trọt để phát triển nền nông nghiệp sạch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có hơn 600 hộ nông dân ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI vào sản xuất trồng trọt cho hơn 200 ha cây ăn trái, rau màu; hơn 100 hộ chăn nuôi, trang trại ứng dụng kỹ thuật trên để xử lý môi trường trong chăn nuôi.

 

Huyện Vĩnh Cửu là địa phương tiên phong trong cả nước triển khai mô hình sử dụng men vi sinh IMO để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và xử lý mùi hôi chất thải trong chăn nuôi.

Đến nay, tất cả 12 xã, thị trấn của huyện đã đồng loạt ứng dụng IMO trong sản xuất, tạo nền tảng phát triển nền nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Liễu (ngụ xã Hiếu Liên, huyện Vĩnh Cửu) có vườn trái cây gồm: cam, quýt, bưởi rộng 4 ha. Theo ông Liễu, công thức tạo men vi sinh IMO rất đơn giản, bao gồm nước men giống (phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cung cấp), cám gạo, đường nâu và nước sạch.

Tất cả nguyên liệu trộn đều, ủ trong thùng nhựa có nắp đậy, mỗi ngày mở nắp khuấy 1 lần, sau 7 ngày có thể sử dụng. Chi phí làm ra 1 lít IMO chỉ mất 800 - 1.000 đồng.

Để sử dụng, bồn nhựa chứa phân đã ủ sẽ được đặt cạnh một hồ nước kèm máy bơm công suất lớn để pha phân, tưới phân theo tỷ lệ định sẵn, phù hợp với từng loại cây, phù hợp với thời tiết.

Ông Liễu cho biết thêm, IMO sẽ làm được nhiều việc; trong đó, tận thu được các phụ phẩm nông nghiệp ở trong vườn như: trái non, trái rụng, rau rác, tất cả cho vào hầm, bồn và đổ men vào ngâm 20 - 25 ngày.

Sau thời gian này, rác sẽ hoại mục đưa ra sử dụng bón cho cây trồng, giúp khu vườn lúc nào cũng sạch sẽ, lá, trái non rụng được thu gom lại để sử dụng làm phân bón “nuôi” lại khu vườn.

Ngoài ra, IMO còn giúp tận dụng được phân thải vật nuôi để bón cho cây trồng. Nông dân sẽ đóng bao phân bỏ dưới gốc cây, sau đó dùng dao, liềm rạch gốc, phun xịt chế phẩm IMO vào bao phân. Theo thời gian, phân bị hoai mục nên cây trồng hấp thụ dần dần, thẩm thấu vào đất.

“Đặc biệt nông dân có thể dùng IMO làm thuốc bảo vệ thực vật bằng cách ủ với gừng, riềng, sả rồi phun xịt cho cây để bảo vệ cây trồng trước tác động của sâu bệnh”, ông Nguyễn Thanh Liễu chia sẻ.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) cũng là một trong những nông dân thành công trong việc sử dụng IMO để phục vụ số lượng lớn cây trồng như: bưởi, cam, quýt, bưởi, ổi, đu đủ, sâm Bố Chính…

Nhờ sử dụng phân, thuốc ủ từ IMO, cây trái trong vườn của ông Thanh tươi tốt, chất lượng, tiết kiệm chi phí.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, IMO không phải là thần dược nhưng dần "gánh vác" được 60 - 70% vật tư sử dụng trong vườn. Nhờ sử dụng IMO, vườn sạch hơn, thân thiện với môi trường, sản phẩm làm ra có chất lượng cao, tốt cho sức khỏe người sản xuất cũng như sử dụng.

Qua đó, gia đình ông Thanh tiết kiệm được từ 250 - 280 triệu đồng tiền thuê nhân công/năm. Tuy nhiên, sử dụng IMO sẽ hạn chế hơn so với sử dụng các sản phẩm hóa học là khi sản xuất sạch cây trồng phát triển chậm, mẫu mã trái cây không đẹp.

“Tôi muốn sản xuất ổn định, lâu dài và giữ được giá trị dinh dưỡng của đất nên quyết định đi theo hướng làm nông sản sạch. Sử dụng ứng dụng IMO cải tạo được đất, giúp hệ vi sinh trong đất tốt, ức chế vi sinh có hại cho đất, giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật trong vườn” ông Nguyễn Văn Thanh cho biết.

Theo ông Nguyễn Đức Nam, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Cửu, nhiều năm qua địa phương đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Phòng đã triển khai tới người dân sử dụng chế phẩm sinh học trong phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, xử lý môi trường, tận dụng phụ phẩm, rác thải nông nghiệp để ủ tạo ra phân bón nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và bà con nông dân tham gia sản xuất.

Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ giúp tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, cân bằng sinh thái trong đất, phát triển nông nghiệp bền vững và du lịch sinh thái của địa phương.

Ông Nguyễn Đức Nam cho biết thêm, hiện, trên địa bàn huyện có trên 450 lượt nông dân sử dụng chế phẩm sinh học IMO và MEVI, mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt cho bà con. Thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu huyện ủy, UBND huyện tăng cường tập huấn, hỗ trợ bà con để mang lại hiệu quả cao hơn nữa.

"Chúng tôi hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái cũng như nông nghiệp tuần hoàn theo dạng nông nghiệp khép kín, tận dụng các phụ phế phẩm nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất cho bà con và xây dựng nền nông nghiệp xanh", ông Nam cho biết.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhận định, mô hình tái chế chất thải thành phân bón là giải pháp bảo vệ môi trường hữu ích và bền vững, không chỉ giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt mà còn góp phần giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Do đó, tỉnh đã chọn phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục