Ứng dụng qua điện thoại thông minh giúp thay đổi cuộc sống

06:18' - 21/02/2017
BNEWS Những ứng dụng qua điện thoại thông minh- smartphone như Uber, gọi xe ôm, dịch vụ giúp việc gia đình đã mang lại nhiều tiện ích lớn lao giúp thay đổi cuộc sống của người sử dụng.
Cả Uber và Grab ra đời đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong ngành công nghiệp vận chuyển hành khách. Ảnh: CEP

Xuất phát từ Uber, sản phẩm của Công ty Uber, Inc được thành lập vào tháng 3/2009 tại Hoa Kỳ, sau đó phát triển ở nhiều quốc gia khác; trong đó có mặt Việt Nam từ năm 2014.

Đây là dịch vụ trung gian gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe, hoạt động thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh của mỗi cá nhân để nhận yêu cầu đi xe của khách hàng.

Trong khi đó, GrabTaxi ra đời vào năm 2012 tại Malaysia cùng tính năng và cũng có mặt tại Việt Nam từ năm 2014 nay đổi thành Grab, gồm GrabCar, GrabTaxi và GrabBike.

Cả Uber và Grab ra đời đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong ngành công nghiệp vận chuyển hành khách.

Khách hàng sử dụng dịch vụ Uber hoặc Grab chỉ cần tải và cài đặt ứng dụng của hãng mình chọn lên smartphone, điền đầy đủ thông tin cá nhân, email, số điện thoại, bật định vị GPS là có thể gọi được xe.

Hệ thống tự động tính giá dựa trên khoảng cách giữa điểm đón và điểm đến, khách hàng có thể theo dõi xe mình đang sử dụng dịch vụ di chuyển ngay trên màn hình, số tiền cần phải thanh toán, dẹp bỏ được nỗi lo bị chặt chém hoặc tài xế chạy đường vòng để tính thêm tiền.

Chị Hà Vi ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ này cho hay, họ cảm thấy quá mệt mỏi khi phải đối mặt với việc muộn giờ, phải đứng đợi quá lâu khi gọi taxi truyền thống.

Thậm chí, có xe đến nhưng lái xe bắt nhầm khách phải gọi xe khác, thậm chí đã có lúc quên đồ trên xe không lấy lại được.

Và họ rất hài lòng khi sử dụng dịch vụ này không chỉ với chi phí đi lại rẻ hơn taxi truyền thống, mà khi quên đồ trên xe cũng không lo bị mất bởi khi đặt xe đã có đầy đủ thông tin của tài xế đến đón.

Với GrabBike (dịch vụ xe ôm), anh Ngô Tất Thành, quê Vĩnh Phúc chạy GrabBike ở Hà Nội cho biết, anh cảm thấy khá hài lòng khi cộng tác với Grab.

Để được tham gia vào lực lượng tài xế của GrabBike, chỉ cần có điện thoại chạy hệ điều hành Android, xe máy cùng chứng minh thư hay hộ khẩu và bằng lái xe công chứng, đồng phục và đội mũ bảo hiểm do hãng phát miễn phí. 

Anh Thành chia sẻ, mặc dù giá cước GrabBike chỉ bằng một nửa hoặc khoảng 2/3 so với xe ôm truyền thống, bình quân mỗi ngày chạy từ 20 đến 30 chuyến dài ngắn, sau khi hãng trích 15% phí dịch vụ và trừ chi phí xăng xe anh có thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng.

Không chỉ có thu nhập ổn định hàng tháng mà anh còn được trải nghiệm khắp phố phường Hà Nội, đặc biệt thời gian làm việc do mình hoàn toàn chủ động, lại không phải ra ngoài đường tìm kiếm hay chèo kéo khách hàng. 

Khách hàng Lê Thị Hoa nhà ở Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai cho hay, mỗi khi có việc về quê Hà Tĩnh, nếu đi xe ôm đi từ nhà ra Bến xe nước Ngầm với khoảng 6km hết 50.000 đồng mà còn phải mặc cả mãi.

Tuy nhiên, với GrabBike, cũng quãng đường này chị đi chỉ hết 28.000 đồng/chuyến. Không chỉ giá rẻ hơn nhiều, tài xế còn có đồng phục, màu xe, loại xe đã được hệ thống thông báo để dễ nhận biết, phong cách tài xế lại khá lịch sự nên khá yên tâm khi sử dụng dịch vụ này. 

Ăn theo dịch vụ kiểu Uber, Grab là hàng loạt ứng dụng ra đời ở nhiều lĩnh vực khác nhau như đặt đồ ăn của KFC Việt Nam, hay thuê người giúp việc nhà Btaskee, JupViec, đi chợ, đón con… do các đơn vị trong nước cung cấp. 

Ăn theo dịch vụ kiểu Uber, Grab là hàng loạt ứng dụng ra đời ở nhiều lĩnh vực khác nhau như đặt đồ ăn của KFC Việt Nam, hay thuê người giúp việc nhà Btaskee, JupViec, đi chợ, đón con. Ảnh: www.startupdb.asia

Với ứng dụng KFC Việt Nam, khách hàng có thể trực tiếp đặt món ăn online, nhận thông tin cập nhật, các chương trình khuyến mại mới nhất từ KFC.

Đặc biệt, thực đơn ưa thích của khách hàng sẽ được ghi nhớ và ứng dụng sẽ gợi ý cho khách hàng trong lần đặt hàng kế tiếp. Ngoài ra, khách hàng còn có thể tìm kiếm địa chỉ các nhà hàng KFC gần nhất và sơ đồ đường đi thông qua Google Maps.

Trong khi đó, các ứng dụng Btaskee hay JupViec… tìm người giúp việc nhà lại dễ dàng hơn bao giờ hết.

Btaskee là ứng dụng giúp việc nhà theo giờ đầu tiên ở Việt Nam giúp khách hàng dễ dàng tìm người giúp việc nhà mọi lúc, mọi nơi, không cần thông qua công ty dịch vụ.

Chỉ với một vài thao tác đơn giản trên ứng dụng Btaskee dành cho điện thoại thông minh, khách hàng có thể nhanh chóng lựa chọn người giúp việc phù hợp theo tiêu chí của mình.

Cụ thể như tiêu chí về kỹ năng, thời gian, đánh giá của cộng đồng… với chi phí mặc định 100.000 đồng/2 giờ làm việc và giảm dần chỉ còn 33.000 đồng/giờ nếu khách hàng sử dụng hơn 16 giờ/tuần.

Cùng với Btaskee, ứng dụng JupViec do Công ty cổ phần phát triển dịch vụ nhà sạch HMC cung cấp được khá nhiều chị em tin dùng trong năm và đặc biệt trong những ngày Tết đang cận kề giúp khách hàng có thêm thời gian hơn cho gia đình và người thân.

Đây được coi là giải pháp lý tưởng cho người có nhu cầu thuê giúp việc nhà theo giờ cùng với mức giá từ 33.000 đồng/giờ. 

Chị Đặng Lan Phương ở Kim Mã cho hay, nhà chị có hai con nhỏ và các cháu thường đến chơi không chỉ bày bừa bộn trong nhà mà bọn trẻ còn ăn kem, ăn bánh trái bôi lem nhem khắp nhà.

Đặc biệt, Tết nhất đến gần, người giúp việc đã nghỉ, công việc ở cơ quan lu bù, về đến nhà nhìn đâu cũng thấy việc, mọi thứ chất đống mà thời gian lại không có nhiều.

Được người bạn đến chơi chia sẻ ứng dụng tìm giúp việc trên smartphone chị đã đăng ký sử dụng dịch vụ và được nhân viên đến dọn dẹp nhà cửa trong thời gian hơn 3 giờ với giá hơn 100.000 đồng.

Từ đó đến nay, thay cho tìm người giúp việc ở lại, chị đặt lịch giúp việc theo giờ qua ứng dụng mỗi tuần 3 buổi vào cuối giờ chiều ấn định. 

Cùng chia sẻ câu chuyện giúp việc theo giờ, chị Hằng Trần ở phố Hai Bà Trưng cho hay, chị từng thuê giúp việc ở lại nhưng nhiều lúc cũng thấy bất tiện trong sinh hoạt gia đình, khi cả hai vợ chồng đi làm và con nhỏ đi học cả ngày.

Nhiều hôm về bất chợt bắt gặp giúp việc rủ bạn bè đến chơi, hay để các thiết bị điện tử hoạt động mà không sử dụng…

Tuy nhiên, từ khi sử dụng dịch vụ giúp việc gia đình theo giờ đến nay chị thấy thoải mái hơn nhiều.

Các việc đi chợ, nấu ăn, đón con, dọn dẹp nhà cửa được giúp việc thực hiện nhanh gọn, khoa học mà không ảnh tới sinh hoạt gia đình. 

Từ tiện ích của dịch vụ này, hàng tuần vợ chồng chị được nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật nên tự thu xếp việc nhà, còn lại mỗi tháng thuê người giúp việc, mỗi ngày khoảng 3 tiếng.

Chị Hằng tính toán như vậy mỗi tháng gia đình chị chỉ chi khoảng 2,6 triệu đồng thấp hơn hẳn mức 3,5 triệu đồng thuê người giúp việc ở lại nhà chưa kể các chi phí sinh hoạt, ăn uống như 1 thành viên trong gia đình.

Trong khi đó, cả người giúp việc và gia đình chị cảm thấy rất thoải mái.

Có thể nói các lĩnh vực dịch vụ được ứng dụng qua điện thoại thông minh đã khai thác được các tính năng công nghệ thông tin ứng dụng trong cuộc sống, giúp con người  tiếp cận phương thức tiêu dùng hiện đại, an toàn và minh bạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục