Ứng phó bão số 16: Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học và người lao động nghỉ làm

20:05' - 25/12/2017
BNEWS Trước tình hình khẩn cấp của bão số 16, các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu, Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang đã và đang nỗ lực tổ chức các hoạt động phòng chống bão.
Bến Tre giúp dân di dời đến nơi an toàn tránh bão. Ảnh: Phúc Hậu - TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có công điện khẩn thông báo cho cán bộ công nhân viên, người lao động (trừ lực lượng trực ứng cứu phòng chống bão) được nghỉ 2 ngày từ 25 đến 26/12. Các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp bố trí lực lượng giữ gìn bảo vệ tài sản, an ninh trật tự ứng trực phòng chống bão.
Với tinh thần di dời càng nhiều dân vào nơi trú tránh an toàn càng tốt, chiều 25/12, tỉnh Sóc Trăng đã di dời được hơn 30.000 người vào hàng trăm điểm trú tránh bão an toàn, lực lượng vũ trang đã hỗ trợ người dân kịp thời, cung cấp nước, thức ăn, thuốc men, khám chữa bệnh cho người bệnh tại chỗ. Tỉnh cũng có 1.198 tàu thuyền vào tránh trú bão an toàn, trong đó có 350 tàu đánh bắt xa bờ được tránh trú tại Côn Đảo, một số tàu trong chiều tối 24/12 đã trở về neo đậu trên sông Hậu gần cửa biển Sóc Trăng an toàn.
Liên tục từ sáng 25/12 đến chiều tối, tại tỉnh Sóc Trăng có mưa lớn, mặc dù gió chưa mạnh nhưng nguy cơ ảnh hưởng do mưa lớn dông lốc, lực lượng chức năng, các đơn vị vũ trang, giao thông, thủy nội địa liên tục tuần tra, tuyên truyền người dân vùng xung yếu di dời vào nơi tránh trú bão an toàn. Đến chiều tối 25/12, tất cả lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng vẫn chia địa bàn ứng trực, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương vùng xung yếu ven biển…
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết: Đến chiều 25/12, mọi công tác ứng phó bão số 16 đã hoàn thành và sẵn sàng theo phương án đề ra, kiên quyết không để thiên tai gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản cũng như sản xuất và đời sống nhân dân.
Tiền Giang đã tổ chức sơ tán được gần 35.000 dân ven biển đến nơi an toàn, kêu gọi vào nơi tránh trú bão 1.288 phương tiện với 3.440 ngư dân. Hiện nay, còn 70 phương tiện với 581 ngư dân đang hoạt động trên biển nhưng nằm trong vùng không nguy hiểm và vẫn giữ được liên lạc. Hiện tại chưa có sự cố về phương tiện đánh bắt liên quan đến bão số 16.
Mặt khác, tỉnh đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ và các ngành, các cấp hỗ trợ gia cố khẩn cấp 4 đoạn đê xung yếu thuộc đê biển Gò Công với tổng chiều dài 115 m; chằng chống trên 5.300 căn nhà, cắt tỉa cành nhánh gần 1.200 cây xanh.
Chiều 25/12, UBND thành phố Cần Thơ có công văn số 4975 yêu cầu Giám đốc Sở và Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố; Thủ trưởng cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện và Giám đốc các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cho phép nữ công chức, viên chức, người lao động có con dưới 15 tuổi đang công tác tại đơn vị được nghỉ làm việc từ chiều ngày 25/12 đến hết ngày 26/12 để chăm sóc con. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bố trí nhân sự thay thế để đảm bảo hoạt động sản xuất cũng như công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị và công tác chủ động ứng phó với bão số 16.
Quyết định được Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống đưa ra sau khi chỉ đạo ngành giáo dục thành phố cho tất cả các sinh viên và học sinh nghỉ học từ chiều ngày 25/12 đến hết ngày 26/12, nhằm tạo điều kiện cho công chức, viên chức và người lao động nữ có thể an tâm chăm sóc con nhỏ trong thời gian các em được nghỉ học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em trong tình hình bão đang diễn biến phức tạp.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 16, tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều phương án, giải pháp ứng phó, nhằm giảm thiểu những thiệt hại khi bão đổ bộ vào địa bàn. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Sáng 25/12, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã kiểm tra công tác ứng cứu bão số 16 ở một số đơn vị trên địa bàn Vũng Tàu. Ông Sang yêu cầu, các đơn vị Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu bảo đảm an toàn hàng hải, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để phối hợp ứng cứu tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết.
Hiện nay, hơn 100 tàu neo đậu ở vùng nước Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu quản lý đã được di chuyển về khu vực neo đậu, bố trí ở sông Gò Gia. Chỉ còn duy nhất tàu Nasico Lion neo ở khu vực Bãi Trước do động cơ tàu không hoạt động từ lâu.
Cảng vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng vụ Vũng Tàu, Cảng vụ Đồng Nai đều có các đoàn kiểm tra, rà soát và hiện các tàu thuyền đã vào vị trí neo đậu an toàn. Ở khu vực Trà Vinh, các tàu thuyền đã vào khu vực sông Hậu neo trú bão, chỉ còn một tàu chở than trọng tải 22.000 tấn do mớn nước lớn và không dỡ được hàng. Hiện tàu đã vào neo đậu trong khu vực cảng phía trong các đê chắn sóng Bắc - Nam, đảm bảo an toàn. Khu vực Kiên Giang - Phú Quốc, toàn bộ tàu du lịch đã vào sông Dương Đông tránh trú bão...
Sáng 25/12, một du thuyền với 4 thuyền viên quốc tịch Thái Lan đã vào Côn Đảo tránh bão. Đồn Biên phòng Côn Đảo đã hướng dẫn phương tiện neo đậu tại khu vực Cảng Bến Đầm và đưa toàn bộ thủy thủ đoàn lên bờ.
Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chánh phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh cho biết: Đến 16 giờ ngày 25/12, các địa phương trong tỉnh cùng lực lượng Quân sự, Công an đã hoàn thành việc giúp dân sinh sống tại các vùng ven biển, ven sông lớn, xã đảo, vùng cù lao di dời về nơi tránh bão an toàn.
Các địa phương có đông người dân phải di dời như: Thị xã Duyên Hải 2.605 người, huyện Châu Thành 1.058 người, huyện Trà Cú 2.252 người... Tại các điểm tránh bão, người dân được cung cấp đầy đủ vật dụng, lương thực, thực phẩm và thuốc men… Cùng với công tác di dân, lực lượng Quân sự cũng đã giúp dân thu hoạch cơ bản xong hơn 71.000 ha lúa Thu Đông; chằng chống xong 1.330 nhà cửa, gia cố bờ bao bảo vệ hơn 700 ha ao nuôi trồng thủy sản.
Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Đồng Văn Lâm đã có thông báo cho tất cả công nhân trên địa bàn tỉnh nghỉ làm từ 13 giờ ngày 25/12. Các lực lượng chức năng cùng tổ chức đoàn thể trực 24/24 tại địa bàn đã được phân công phụ trách để sẵn sàng ứng phó với những diễn biến của bão số 16.
* Ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: Ngày 25/12, huyện đã thông báo cấm tàu thuyền ra khơi và cho trên 20.000 học sinh 3 cấp nghỉ học từ ngày 25/12 đến hết ngày 27/12. Ngoài ra, huyện còn cử nhiều đoàn công tác đến các xã, thị trấn giám sát, hỗ trợ người dân ứng phó với bão. Bên cạnh đó, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, gia cố bè cá, chằng chống nhà cửa và thống kê số người dân sống ven biển lên phương án di dời dân đến nơi ở an toàn...
Theo Thượng tá Lê Dũng Sỹ, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, đơn vị triển khai công tác phòng, chống đến tất cả lực lượng đang đóng quân trên địa bàn huyện Phú Quốc; tuyên truyền, vận động các tàu cá đang đánh bắt ngoài biển nhanh chóng vào bờ và tuyệt đối không cho tàu cá cũng như các tàu khách chở khách du lịch trên biển. Bên cạnh đó, kiểm tra, thông báo cho tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.
Tính đến chiều 25/12, các địa đã tổ chức di dời 3.000 người dân về nơi trú bão an toàn; khoảng 2.600 tàu đánh cá trên vùng biển Phú Quốc đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, từ 12 giờ ngày 25/12, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cho công nhân nghỉ làm việc; các chợ hạng 1, hạng 2, chợ đêm trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố của tỉnh đều dừng hoạt động; các bến đò, bến phà, bến khách ngang sông cũng tạm dừng hoạt động cho đến khi bão tan và sẽ hoạt động trở lại khi có thông báo. Riêng 2 bến phà Đình Khao và An Bình đến 18 giờ ngày 25/12 tạm ngưng hoạt động.
Bên cạnh đó, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long và các đài truyền thanh phường, xã tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão; phổ biến các kỹ năng ứng phó để người dân biết và chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão.
Ông Lưu Nhuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết: Ban trực 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; chủ động thành lập các đoàn công tác liên ngành trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với địa phương xử lý các tình huống cấp bách.
Tỉnh đã tổ chức sơ tán và vận động hơn 2.390 hộ dân với hơn 3.800 người đến nơi an toàn; hơn 1.300 lồng bè được neo đậu chắc chắn để chống bão.
Tính đến 17 giờ ngày 25/12, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành công tác phòng, chống bão số 16. Theo thống kê sơ bộ, tỉnh đã sơ tán khoảng 3.600 hộ với trên 18.000 người dân vào nơi trú ẩn an toàn, tổ chức chằng chống trên 14.500 căn nhà, thức ăn, nước uống đảm bảo cho người dân tại các nơi trú ẩn; các bến đò ngang, đò dọc đã ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn.
Trong chiều 25/12, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đi kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 16 ở các xã Vị Tân, Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh), thị xã Long Mỹ, xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A).

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Sáng 25/12, vẫn còn hiện tượng một số người dân chủ quan về cơn bão số 16, chưa chịu di dời về nơi an toàn. Trước tình trạng trên, các đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa đi kiểm tra, vừa chỉ đạo các địa phương kiên quyết di dời.
Hiện nay, các lực lượng quân đội, công an tỉnh Hậu Giang đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện gồm xe thiết giáp, xe tải, xuồng cao tốc để sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu người dân khi có lệnh. Ngoài ra, các phương tiện thông tin liên lạc vô tuyến, hữu tuyến cũng được huy động để đảm bảo liên lạc thông suốt giữa Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn với các địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục