Ứng phó dịch tả lợn châu Phi: Làm gì trong lúc chờ vắc xin?

09:40' - 15/07/2019
BNEWS Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng trong lúc chờ các nhà khoa học nghiên cứu vắc xin thì vẫn phải duy trì các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Họp bàn các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Mới đây, các nhà khoa học thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thông báo về kết quả khả quan trong việc nghiên cứu thử nghiệm vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành chăn nuôi nói riêng cũng như ngành nông nghiệp nói chung trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng trên phạm vi cả nước, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi và đời sống người dân.

Tín hiệu tích cực

Bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sau một thời gian ngắn, các nhà khoa học của Học viện đã tập trung nghiên cứu nhiều đề tài nhằm tìm ra vắc xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang thực hiện 7 đề tài nghiên cứu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao gồm: Nghiên cứu Kít chuẩn đoán dịch tả châu Phi; vắc xin nhược độc thế hệ mới; vắc xin vô hoạt và nhược độc truyền thống; đặc điểm/bệnh lý/phương pháp chuẩn đoán; nghiên cứu về môi trường/xử lý xác lợn làm phân bón; nghiên cứu về chính sách đối với bệnh dịch tả châu Phi và Nghiên cứu chế phẩm sinh học.

Bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sau một thời gian ngắn, các nhà khoa học của Học viện đã tập trung nghiên cứu nhiều đề tài nhằm tìm ra vắc xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Bà Lan cho biết, đến nay các nhóm nghiên cứu của Học viện đã tạo được vắc xin vô hoạt thế hệ mới, bước đầu có kết quả tốt trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên diện hẹp.

Theo đó, vắc xin thử nghiệm đã được tiến hành tại 3 trại lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi thuộc 3 hộ gia đình khác nhau ở Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình. Kết quả cho thấy, toàn bộ 16/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình này đều sống khoẻ mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khoẻ mạnh. Trong khi những con lợn không được tiêm vắc xin đều chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đánh giá về độ an toàn của vắc xin trong quá trình thử nghiệm, bà Lan cho biết, vắc xin an toàn đối với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng.

“Tuy nhiên với loại vắc xin vô hoạt đã sản xuất, cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thêm trên diện rộng. Trong khi chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu và sản xuất vắc xin, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm cấp III, chúng tôi cũng đề nghị nhóm nghiên cứu chuẩn bị sản xuất từ 300 - 500 liều vắc xin để phục vụ thí nghiệm. Hạn chế, khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết để sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp”, bà Lan nhấn mạnh.

Ông Bạch Đức Lữu - Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI thông tin, thời gian qua Chi cục đã phối hợp với Công ty Navetco nghiên cứu sản xuất vắc xin và chế phẩm sinh học phòng, trị bệnh dịch tả lợn châu Phi trên lợn. Đến nay, cũng đã có một số kết quả khả quan.

Chi cục Thú y vùng VI đã chuyển giao nhiều mẫu vi rút ASFV động lực cho Công ty Navetco để làm vi rút nguồn sản xuất vắc xin.

"Đáng chú ý, Chi cục đã phân lập thích nghi được vi rút ASFV trên tế bào dòng VERO (tế bào thận khỉ mắt xanh châu Phi). Đây là loại tế bào có thể sản xuất với khối lượng lớn, đang kiểm tra hàm lượng vi rút dịch tả lợn châu Phi và Chi cục sẽ phối hợp với Navetco sản xuất lô vắc xin thử nghiệm tiêm trên lợn" - ông Lữu thông tin.

Ông Lữu cho biết, qua theo dõi diễn biến đàn lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 1 hộ ở xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; trong đó, có những con lợn nhiễm bệnh mà không chết và hiện vẫn sống khoẻ mạnh.

"Đây được xem là nguồn vi rút nhược độc tự nhiên có tiềm năng để sản xuất vắc xin nhược độc. Hiện Chi cục đã chuyển mẫu bệnh phẩm (lách, hạch) vi rút nhược độc cho Navetco nghiên cứu tiếp" - ông Lữu nhấn mạnh.

Chăn nuôi an toàn

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng trong lúc chờ các nhà khoa học nghiên cứu vắc xin thì vẫn phải duy trì các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong khi chờ các nhà khoa học nghiên cứu vắc xin thì vẫn phải duy trì các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Bởi đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Hiện có nhiều nhóm chế phẩm sinh học đã được ứng dụng trong thực tiễn, thậm chí có trang trại quy mô 500 con đã áp dụng và thành công.

Ông Nguyễn Văn Bách, Tổng Giám đốc Công ty Amavet cho biết, để khống chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi thì phải hiểu được đặc điểm của vi rút gây bệnh cũng như đặc điểm dịch tễ của bệnh. Theo đó, một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh gồm: tiêu huỷ triệt để, đúng cách lợn bệnh; phun thuốc sát trùng đúng cách, đúng liều lượng; thay đổi phương thức chăn nuôi; sử dụng bổ sung chất kháng khuẩn, kháng vi rút...

Thực tế, thời gian qua các doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô đàn nuôi lớn đang áp dụng rất nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên dịch bệnh không xâm nhiễm vào được các trang trại của các doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic trong thức ăn chăn nuôi kết hợp với biện pháp an toàn sinh học là giải pháp có thể hạn chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi đối với các cơ sở chăn nuôi hiện nay.

Thực tế, mô hình chăn nuôi lợn bằng các chế phẩm sinh học của Hợp tác xã Hoàng Long tại Hà Nội đã mang lại hiệu quả cao. Hợp tác xã có quy mô chăn nuôi 5.000 con; trong đó lợn nái 453 con được nuôi tại 2 cơ sở.

Đại diện Hợp tác xã Hoàng Long cho biết, Hợp tác xã đang sử dụng chuồng trại khép kín, nền chuồng bằng bê tông, có hệ thống kiểm soát không khí tự nhiên. Toàn bộ phân, nước thải, nước rửa được thu gom và xử lý bằng biogas...

Các chế độ phòng bệnh bằng vắc xin được cơ sở thực hiện theo quy định của cơ quan thú y. Hàng tuần cơ sở đều phun thuốc sát trùng 1-2 lần. Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học khác theo khuyến cáo của cơ quan chức năng (phun trùng, kiểm soát người ra vào, kiểm soát động vật gây hại, đặc biệt diệt gián....).

Đối với nguồn thức ăn, Hợp tác xã tự mua nguyên liệu về chế biến bằng máy nghiền trộn tại trại, nguyên liệu chính là ngô, cám mỳ, khô dầu đỗ tương, dầu thực vật và có thêm quế, hồi tạo hương thơm thịt lợn, không có nguyên liệu nguồn gốc động vật. Đồng thời, bổ sung chế phẩm vi sinh trước khi cho ăn từ 36 - 48 giờ.

Về kết quả của mô hình, ông Dương cho biết, lợn khỏe mạnh, lợn nuôi thịt không dùng kháng sinh, chất lượng thịt tốt được các cơ sở giết mổ và các bếp ăn tập thể lớn đặt mua; tiêu tốn thức ăn khoảng 3kg/kg tăng trọng; tỷ lệ móc hàm đạt trên 80% (khối lượng xuất chuồng trung bình khoảng 120 kg/con).

Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại một số trại chăn nuôi trong xã đã bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, nhưng trang trại của Hợp tác xã vẫn an toàn.

Theo ông Dương, việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic bổ sung trong thức ăn chăn nuôi cho phép tận dụng được nguồn nguyên liệu, lao động sẵn có ở các nông hộ, địa phương làm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi và nâng cao chất lượng sản phẩm vật nuôi (không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi).

Ông Dương cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có chính sách khuyến khích áp dụng rộng rãi các mô hình chăn nuôi lợn như trên trong sản xuất.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Mặc dù thời gian không dài, nhưng các nhà khoa học đã phân lập được vi rút, làm tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất được vắc xin trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong khi chờ có vắc xin thì giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học cùng với sử dụng bổ sung các chế phẩm sinh học".

Từ khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại Hưng Yên, đến ngày 11/7 nay dịch đã bùng phát ra 62 tỉnh, thành phố trên cả nước; tổng số lợn phải tiêu huỷ là trên 3,3 triệu con, chiếm khoảng 10% tổng đàn lợn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục