Ứng phó với giá phân bón tăng cao

09:34' - 08/05/2022
BNEWS Giá phân bón trong nước liên tục tăng và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay đã khiến sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn.

Chi phí cho phân bón chiếm hơn 40% giá trị đầu vào nên giá phân bón tăng cao sẽ tác động trực tiếp đến giá thành các sản phẩm nông nghiệp. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định, với tình hình hiện nay, mặt hàng phân bón khó có thể giảm giá.

 

Giá khó giảm

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá phân bón đã liên tục tăng cao, đặc biệt từ đầu năm 2022 này, giá phân bón đã đạt đỉnh, lập mức cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây. Hiện giá phân bón ở mức hơn 16-18 triệu đồng/tấn tùy loại.

Bà Nguyễn Thị Tâm ở huyện Thanh Oai, Hà Nội cho hay, gia đình có hơn 1 mẫu ruộng cấy lúa. Hàng năm, chi phí phân bón cho mỗi vụ khoảng 1,4 triệu đồng, nhưng hiện nay giá phân bón tăng cao, mỗi vụ sẽ phải tốn khoảng 2,5 triệu đồng/vụ.

"Làm nông nghiệp vất vả, thu nhập thấp, mà các chi phí xăng dầu, phân bón, thuê lao động liên tục tăng cao như hiện nay thì người dân không có lãi. Với tình trạng này, việc bỏ ruộng đã được nhiều hộ trong làng tính đến để chuyển sang làm việc khác", bà Tâm chia sẻ.

Nhiều hộ nông dân tại Thanh Oai cho hay, trước đây giá phân đạm chỉ hơn 6.000 đồng/kg, nhưng nay đã lên gần 20.000 đồng/kg và mức giá này chưa có dấu hiệu dừng lại do nguồn cung khan hiếm.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, giá phân bón tăng cao đầu tiên là do giá dầu tăng nóng suốt thời gian qua. Đây là nguyên liệu đầu vào chính, cơ bản để sản xuất các loại phân bón vô cơ như phân đạm, ure... Cùng với đó, nhiều nguyên liệu, hóa chất khác để sản xuất phân bón, chi phí logistics, nhân công... đều tăng. Đặc biệt, với mặt hàng kali, Việt Nam đang nhập khẩu phần lớn từ Nga - Ukraine, nơi đang diễn xung đột dẫn đến gián đoạn nguồn cung, đẩy giá tăng cao.

Giá phân bón tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng triệu hộ nông dân, bởi chi phí tăng nhưng giá bán thành phẩm nông nghiệp lại không thể tăng tương ứng.

Ông Nguyễn Trí Ngọc chia sẻ, hiện giá dầu vẫn ở trên 100 USD/thùng và chưa có dấu hiệu giảm xuống dưới mức này. Do vậy, giá phân bón sẽ không thể giảm về như trước đây, nếu có giảm chỉ giảm nhẹ và sẽ hình thành mặt bằng giá mới.

Theo ông Phùng Hà, chuyên gia lĩnh vực phân bón hóa chất, chi phí phân bón dự báo còn tiếp tục tăng. Do đó, Việt Nam cần sớm có chính sách điều tiết, kìm giá phân bón để hỗ trợ nông dân.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, giá phân bón trong nước hiện nay đang phụ thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào như khí, than, thị trường và nguồn nhập khẩu. Thời gian qua, giá khí, than để sản xuất đạm đều tăng cùng các nhiên liệu phụ khác khiến giá trong nước bắt buộc phải điều chỉnh tăng theo. Trong khi đó, nguồn phân bón nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu từ Nga, Belarus, Trung Quốc.... Xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, cùng với ảnh hưởng dịch COVID-19 tại Trung Quốc đã dẫn đến nguy cơ đứt gãy nguồn cung, tác động đến việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.

Ông Cường cho hay, để sản xuất phân bón DAP, doanh nghiệp phải mua lưu huỳnh từ Nga và Trung Đông hay kali nhập khẩu từ Nga và Belarus do trong nước chỉ sản xuất được rất ít. Khó khăn từ các thị trường này đã đẩy giá nguyên liệu lên cao, giá lưu huỳnh chỉ trong 2 tháng nay đã tăng từ 340 - 350 USD/tấn lên 420 - 430 USD/tấn. Tương tự, than nhiệt chỉ ở mức 150 USD/tấn hồi đầu năm giờ đã tăng lên 420 - 430 USD/tấn; giá kali trước kia chỉ từ 200 - 300 USD/tấn thì nay tăng lên hơn 1.000 USD/tấn... điều đó đã gây áp lực, đẩy giá phân bón trong nước tăng theo.

Ông Nguyễn Phú Cường cũng cho biết, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào và các loại nhiên liệu phụ khác tăng cao nhưng các đơn vị thành viên vẫn phải nhập nguyên liệu để duy trì hoạt động sản xuất. Trong thời điểm nhu cầu thấp, các đơn vị vẫn phải tiến hành xuất khẩu sản phẩm chứ không thể để hàng lưu kho, không thu hồi được vốn. Sắp tới, thị trường trong nước vào thời kỳ cao điểm, tập đoàn và các đơn vị thành viên đã chủ động xây dựng các giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Giảm áp lực cho người dân

Sắp tới, bước vào vụ Hè Thu, ngành nông nghiệp sẽ cần lượng phân bón lớn để đáp ứng nhu cầu trồng trọt. Để đảm bảo đủ nguồn cung, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã có kế hoạch tăng cường sản xuất đảm bảo cung ứng ổn định.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem Nguyễn Phú Cường, các đơn vị sản xuất urê của tập đoàn đang duy trì hoạt động ở mức công suất lớn; hai nhà máy DAP1 và DAP2 cố gắng chạy cao tải nhằm bù đắp phần thiếu hụt trong khoảng thời gian qua do thiếu quặng phục vụ sản xuất. Với tổng công suất của hai nhà máy đạm Hà Bắc và đạm Ninh Bình gần 1 triệu tấn/năm và hai nhà máy DAP1 và DAP2 nếu đủ quặng để duy trì hoạt động sẽ sản xuất được tổng cộng khoảng 600 nghìn tấn/năm, cùng các nhà máy khác trong nước sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Cũng theo đại diện Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí, đơn vị này đang duy trì hoạt động ổn định, bảo đảm đủ nguồn cung phân bón phục vụ nhu cầu thị trường.

Cụ thể, PVFCCo đã chuẩn bị đủ nguyên liệu kali, DAP cho sản xuất NPK của cả năm 2022 và nguồn hàng kinh doanh trong 6 tháng của năm 2022. Bên cạnh đó, Tổng công ty này cũng dự phòng sẵn sàng các phương án thay thế trong trường hợp nguồn cung hoặc chuỗi logistics bị gián đoạn. Với năng lực kho vận tốt, đơn vị sẽ bảo đảm lượng hàng sẵn sàng tại từng khu vực, phục vụ nhu cầu phân bón tăng cao, khi hầu hết các khu vực trong cả nước bước vào vụ chăm bón.

Để giảm áp lực về giá phân bón tăng cao hiện nay, đại diện PVFCCo cho biết, sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón với cách làm đa dạng, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn trực tuyến... nhằm giúp các hộ nông dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm vật tư.

Theo ông Phùng Hà, ngoài sự nỗ lực đảm bảo nguồn cung từ các nhà máy ra thị trường, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đưa ra những giải pháp thiết thực hơn như hướng dẫn nông dân tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất, sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật cũng như tích cực chỉ đạo sản xuất các vụ lúa, màu hợp lý, tăng độ màu mỡ cho đất, nâng cao giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các nhà máy sản xuất trong nước tăng sản lượng phân bón hữu cơ để giảm áp lực phụ thuộc vào phân bón vô cơ do giá cả tăng mạnh và không có dấu hiệu sẽ giảm giá trong tương lai. Đến nay, sản lượng phân bón hữu cơ cũng đã đạt khoảng 3 triệu tấn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Ngoài ra, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu dần phân bón vô cơ cũng là một trong những giải pháp để chuyển đổi sản xuất xanh, sạch, bền vững; tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp; giảm giá thành sản xuất nông nghiệp của người dân.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hinh - trồng hơn 2 mẫu ruộng tại Thanh Oai - Hà Nội, gia đình đang dùng xen kẽ phân hữu cơ và vô cơ. Phân bón vô cơ hiện nay khoảng 50.000 đồng/kg trong khi phân hữu cơ chỉ hơn 10.000 đồng/kg, chất lượng không thua kém nhau nhiều. Sắp tới gia đình ông sẽ chuyển hẳn sang làm lúa hữu cơ, tận dụng thêm các nguồn nguyên liệu có sẵn như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác sinh hoạt... để giảm chi phí.

Để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nông dân cần đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất phân bón hữu cơ từ các nguồn phụ phẩm sẵn có; ứng dụng công nghệ để giảm lượng phân bón sử dụng mỗi vụ. Điều này giúp giảm chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiến tới sản xuất xanh và sạch hơn.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục