Ưu tiên số 1 của TP HCM và các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp là gì?

08:52' - 24/07/2021
BNEWS Ưu tiên số 1 của Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp lúc này là phòng, chống dịch COVID-19 để nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức lại cuộc sống, sản xuất.

Tối 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với 21 tỉnh, thành phố phía Nam và Nam Trung bộ đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp để đánh giá tình hình sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTG và quán triệt sâu sắc Công điện ngày 21/7 của Thường trực Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng dự Hội nghị với Thủ tướng tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị tại đầu cầu TP.Hồ Chí Minh. Dự hội nghị tại đầu các tỉnh, thành phố là Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam có những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, chúng ta cần đánh giá lại những điểm làm được, chưa làm được, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đồng thời nhận định tình hình mới để có cách tiếp cận mới, nhiệm vụ mới, giải pháp mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong phòng, chống dịch COVID-19.

"Phải bám sát tình hình thực tiễn, thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dự hội nghị phát biểu, làm rõ những kết quả, những giải pháp hay, bài học kinh nghiệm, hiệu quả để nhân rộng mô hình trong phòng, chống dịch; đồng thời chỉ ra những điểm yếu, nhu cầu và giải pháp khắc phục ở tất cả các phương diện, ngành, lĩnh vực để công tác phòng, chống dịch hiệu quả cao hơn.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4 này, tính đến trưa ngày 23/7, cả nước ghi nhận 75.417 ca mắc COVID-19, trong đó có 74.570 ca trong nước; 9.557 người đã được chữa khỏi bệnh; 335 ca tử vong. Đến nay có 9/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát.

Đáng chú ý, qua 5 ngày triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp do biến chủng mới có tốc độ lây lan rất nhanh, vòng lây nhiễm ngắn; mặt khác nhiều ca bệnh đã có trong cộng đồng từ trong thời gian trước đó.

Các ca nhiễm bệnh đã được ghi nhận tại các khu chợ đầu mối, khu công nghiệp, khu dân cư, có cả người khám sàng lọc tại bệnh viện. Qua điều tra dịch tễ, truy vết, các tỉnh đã xác định được phần lớn nguồn lây; số ca mắc mới gia tăng do các địa phương tăng tốc lấy mẫu và xét nghiệm với số mẫu lớn tại các khu vực nguy cơ, khu cách lỵ, phong tỏa.

Tuy nhiên, công tác triển khai các biện pháp chống dịch theo Chỉ  thị số 16/CT-TTg ở một số địa phương còn chưa nghiêm, nhất là tại một số nơi người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến dịch bệnh.

Công tác chuyên môn chống dịch về tổ chức truy vết, xét nghiệm, triển khai Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng, cách ly, giám sát, điều trị, hậu cần... đã được nâng cao, điều phối hiệu quả hơn so với thời gian trước đó, tuy nhiên chưa đáp ứng được so với tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh, cần tiếp tục đuợc tăng cường năng lực hơn nữa trong thời gian tới.

Hội nghị nhận định, tình hình dịch bệnh đã có những dấu hiệu tích cực và tỷ lệ nhiễm sẽ có xu hướng "đi ngang" trong một vài ngày tới nếu TP. Hồ Chí Minh và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Các địa phương cần tiếp tục quyết liệt huy động toàn bộ lực lượng triển khai các biện pháp ngăn chặn, giảm mắc, giảm tử vong, bảo vệ hiệu quả các vùng, khu vực đang được kiểm soát tốt. Trước mắt, cần ưu tiên chống dịch; tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an sinh, trật tự xã hội, lưu thông hàng hóa, cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ người lao động...

Kết luận hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và các chỉ đạo, nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế và các bộ, ngành, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương đã đạt được một số hiệu quả nhất định.

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của các tỉnh, thành phố; sự vào cuộc, đồng lòng của người dân, các lực lượng tình nguyện; nhất là sự nỗ lực của lực lượng trên tuyến đầu, các Tổ công tác của các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Thủ tướng,vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: vẫn còn hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác ở một số nơi, cơ quan, đơn vị và một số người dân; việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg có nơi còn chưa nghiêm; một số nơi vẫn còn tình trạng tập trung đông người, một số dịch vụ không thiết yếu vẫn hoạt động; một số chợ dân sinh còn hoạt động thiếu kiểm soát; có điểm lấy mẫu xét nghiệm chưa thực hiện nghiêm giữ khoảng cách; có nơi chưa thành lập được Tổ phòng chống
COVID-19 cộng động hoặc có song hoạt động chưa hiệu quả; việc kiểm soát người về từ các vùng có dịch chưa được tổ chức hợp lý, hiệu quả theo quy định; việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" chưa nghiêm túc, nên còn thiếu hụt, bị động, lúng túng; tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương còn chậm; hoạt động vận tải, cung ứng hàng hóa có lúc, nhất là những ngày đầu còn lúng túng, thiếu hụt cục bộ…

Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc tổ chức thực hiện các quy định còn yếu, một số nơi việc kiểm tra, giám sát còn chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành của một số người dân còn chưa nghiêm…

Thủ tướng khẳng định, ưu tiên số 1 của TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp lúc này là phòng, chống dịch COVID-19, song những nơi đáp ứng được yêu cầu, an toàn phòng, chống dịch vẫn duy trì, khôi phục sản xuất, song các doanh nghiệp phải thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" để duy trì sản xuất và phòng chống dịch.

Chính phủ tiếp tục chia sẻ, tạo điều kiện tối đa để TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh sớm đầy lùi dịch bệnh, nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức lại cuộc sống, sản xuất.

Để phòng, chống dịch hiệu quả trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất, tập trung, nhất quán ở tầm quốc gia, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương áp dụng sáng tạo, linh hoạt; đồng thời thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát, kiểm tra; kêu gọi người dân nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; trên tinh thần chủ động phòng ngừa là chính, thực hiện tốt chiến lược vaccine và nâng cao ý thức chấp hành của người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bí thư tỉnh/thành Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại địa phương.

Theo đó, phải phân công trách nhiệm rõ ràng, yêu cầu thực hiện cụ thể, nghiêm túc theo quy định; truy vết, xét nghiệm nhanh, điều trị hiệu quả, phân loại F0 để tập trung nguồn lực chữa trị theo ưu tiên, hạn chế tối đa ca tử vong; các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, không để xảy ra trường hợp "chặt ngoài, lỏng trong"; tuyên truyền, động viên để các tầng lớp nhân dân thực hiện; không để phát sinh các vùng dịch mới; bảo vệ vùng an toàn những nơi không có dịch; đảm bảo phòng, chống dịch đạt kết quả chắc chắn, bền vững.

Thủ tướng đề nghị các địa phương tăng cường hoạt động của các Tổ phòng chống  COVID-19 công đồng, phối hợp với các lực lượng chức năng của hệ thống chính trị ở cơ sở để "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động, kiểm soát người dân thực hiện Chỉ thị 16; Tiếp tục thành lập các Trung tâm cứu trợ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; Thành lập các đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời hỗ trợ, xử lý những vấn đề phát sinh; Chuẩn bị đầy đủ, kịp thời nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, đảm bảo điều phối phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, trong đó, nhất thiết không để thiếu máy thở, ôxi phục vụ chữa bệnh.

Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát việc thực hiện Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đảm bảo minh bạch, kịp thời, hiệu quả, đồng thời nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền nếu cần mở rộng đối tượng hỗ trợ.

Bộ Tài Chính nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền có giải pháp hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19.

Bộ Y tế phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục tổ chức tiêm vaccine cho người dân đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh tiêu cực; nghiên cứu kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các phương pháp điều trị và nghiên cứu sử dụng một số loại thuốc để phòng, chống dịch COVID-19.

Các bộ Công an, Quốc phòng tiếp tục tăng cường lực lượng chi viện cho các địa phương phòng, chống dịch. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương lên kịch bản tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 đảm bảo an toàn, công bằng quyền lợi của học sinh.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong phòng, chống dịch  COVID-19. Các cơ quan báo chí tăng cường thông tin hướng dẫn, khuyến cáo, vận động người dân phòng, chống dịch, đồng thời tăng cường các chương trình giải trí, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, các tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp, trao đổi, rút kinh nghiệm thường xuyên để kịp thời có các điều chỉnh hợp lý, hiệu quả trong phòng, chống dịch, với tinh thần linh hoạt, sáng tạo, lấy nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết./.          

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục