Ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách

16:07' - 16/02/2025
BNEWS Năm 2025, Bộ Giao thông vận tải được giao 81.218 tỷ đồng, gồm: 71.284 tỷ đồng từ nguồn vốn năm 2025 và 9.394 tỷ đồng từ nguồn vượt thu tiết kiệm chi năm 2022.
Với số vốn đầu tư năm 2025 dự kiến gần 90.000 tỷ đồng, đây là nguồn vốn cao kỷ lục từ trước tới nay, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ giải ngân. Đặc biệt, trong Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 vừa ban hành, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh việc ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình mang tính kết nối liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia, quốc tế.

Bên cạnh đó, ngành sẽ rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.

 
Đối với vốn đầu tư công, Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác; sớm đưa vào khai thác, sử dụng các dự án đã hoàn thành nhiều năm, không để lãng phí.

Ngành nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; trong đó, tập trung vào các khâu lập dự toán, phân bổ vốn, giao vốn, giải ngân vốn; cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, ngành giao thông vận tải cũng đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và giải pháp giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các dự án ngừng triển khai theo kết luận của các cơ quan, chức năng.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), năm 2025, Bộ Giao thông vận tải được giao 81.218 tỷ đồng, gồm: 71.284 tỷ đồng từ nguồn vốn năm 2025 và 9.394 tỷ đồng từ nguồn vượt thu tiết kiệm chi năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh đánh giá, đây là nhiệm vụ vô cùng thách thức, đồng thời cũng cũng là cơ hội để Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, tạo động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để triển khai thi công; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, khai thác mỏ vật liệu.

Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thường xuyên rà soát kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án; theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân hàng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn.

Riêng với mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc vào năm 2025, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đối với các chủ đầu tư, đơn vị liên quan tập trung hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án cấp bách như: Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Yên Bái - Lào Cai; Thái Nguyên - Chợ Mới; Hà Nội - Thái Nguyên; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Tuý Loan; Mỹ An - Cao Lãnh... để sớm khởi công.

Với dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cơ quan chuyên môn cần hỗ trợ hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng hoàn thiện thủ tục, sớm đầu tư giai đoạn 2 để phát huy hiệu quả đầu tư.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục