Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề xuất giám sát 4 chuyên đề trong năm 2022

20:08' - 14/06/2021
BNEWS Chiều 14/6, tại phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

Qua thảo luận và sau khi bỏ phiếu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề để trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao (2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội) trong năm 2022.
Bốn chuyên đề được lựa chọn bao gồm: Việc thực hiện pháp luật về công tác lập quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030; việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí (trọng tâm về tài chính, tài sản công, mua sắm công, dịch vụ sự nghiệp công…); việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 và Chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2012 đến ngày 1/7/2021.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, việc lựa chọn các chuyên đề giám sát được thực hiện theo quy trình chặt chẽ quy định tại Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội, sát với thực tế và phù hợp với đa số đề xuất của các cơ quan, các đoàn đại biểu Quốc hội.

Căn cứ kết quả lựa chọn của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Ban cho thấy, các chuyên đề được lựa chọn đã cơ bản bảo đảm hài hòa giữa các lĩnh vực, khả năng thực tế của các cơ quan.
Đối với một số chuyên đề được nhiều cơ quan đề nghị nhưng chưa được đề xuất đưa vào Chương trình giám sát năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã giải trình cụ thể. Trong đó, đối với các ý kiến đề xuất liên quan đến đất đai, Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, đây là vấn đề lớn; hiện nay, các cơ quan đang khẩn trương tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai và tổng kết thi hành Luật Đất đai. Do vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo về nội dung này.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, thời gian qua, nhất là nhiệm kỳ khóa XIV, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt được kết quả quan trọng, khẳng định vai trò, vị trí của Quốc hội đối với nhân dân, cử tri cả nước.

Kế thừa những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục triển khai chương trình giám sát năm 2022 theo chương trình đã xác định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với chương trình giám sát, cho rằng chương trình cơ bản phù hợp, bám sát quy định hoạt động giám sát, quy chế phục vụ hoạt động giám sát gắn với những vấn đề nổi lên được cử tri quan tâm.

Năm 2022, ngoài việc xem xét các báo cáo, Quốc hội sẽ giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 3 và thứ 4 (mỗi kỳ họp một chuyên đề); Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề.
Đối với nội dung giám sát về đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo, trước mắt chưa đưa vào Chương trình giám sát năm 2022.
Cùng với hoạt động giám sát chung của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tích cực triển khai hoạt động giải trình; những nội dung, vấn đề bức xúc nổi lên cần phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Các cơ quan tiếp tục đổi mới cách thức triển khai hoạt động giám sát, tổ chức đoàn giám sát, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát, tăng cường trách nhiệm chất vấn...
Theo chương trình, trong chiều 14/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Campuchia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục