Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành tài sản, thu nhập.
Cần có cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập Theo đó, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm, theo hai phương án.Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Chính phủ lựa chọn phương án 1. Giải trình về lý do, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở nước ta hiện nay, thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều không có đủ bằng chứng xác thực về căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, dự thảo Luật tại Điều 123 bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm xác định thu nhập do vi phạm quy định của khoản 1 Điều 59 Luật Phòng, chống tham nhũng là thu nhập chịu thuế với mức thuế suất 45% trong biểu thuế toàn phần.Bên cạnh đó, phương án trên thể hiện rõ tinh thần việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự, tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai; phù hợp với quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Đặc biệt, Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của các quốc gia thành viên để nhân rộng cho các quốc gia thành viên khác đã coi việc đánh thuế đối với tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng là một phương thức thu hồi tài sản thay thế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện cơ quan thẩm tra, nêu rõ: Đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, đến nay, pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi không loại trừ một số tài sản này có thể có nguồn gốc từ tham nhũng, từ vi phạm pháp luật nhưng Nhà nước chưa chứng minh được.
Do đó, việc dự thảo Luật bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, phù hợp với xu thế chung của quốc tế. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc kỹ, thận trọng để vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, đặc điểm xã hội nước ta là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương, nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức).Trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản..., việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, về mặt pháp lý, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”. Mặt khác, nếu coi đó là tài sản của Nhà nước để tiến hành xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, vừa khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện."Đặc biệt, đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản đó nên cần tiến hành thận trọng, có bước đi phù hợp", Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh và đề nghị cần có cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập, có tiêu chí làm căn cứ xác định thu nhập hợp pháp, từ đó loại trừ tài sản có thể có từ tham nhũng mà ra.
Làm rõ tính khả thi khi đánh thuế tài sản, thu nhập kê khai không trung thực Về phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật và cho rằng, đối với các khoản thu nhập, tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, nhưng Nhà nước chưa chứng minh được tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp, trước mắt, có thể coi đây là các khoản thu nhập phát sinh mà người kê khai chưa nộp thuế, từ đó buộc họ phải nộp thuế.Phương án này không mâu thuẫn với các quy định hiện hành của pháp luật hình sự, dân sự và hạn chế ít nhất việc phải sửa đổi các luật có liên quan. Về mức thuế, đa số ý kiến tán thành mức thuế suất 45% với những lý do như giải trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc mức thuế suất cho phù hợp với các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thế nào là “không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc” vì nếu quy định chung chung sẽ không đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn. Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, khi cán bộ, công chức, viên chức không giải trình hợp lý tài sản nhưng cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản đó là bất hợp pháp thì “suy đoán vô tội”, coi như tài sản hợp pháp tăng thêm và phải nộp thuế.Trong trường hợp cơ quan Nhà nước chứng minh được tài sản là bất minh sẽ xử lý hình sự, dân sự hoặc kỷ luật chứ không thể đánh thuế để hợp pháp hóa tài sản này. Tán thành với phương án 1 mà dự thảo Luật đưa ra nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định không nhất trí với mức thuế 45% mà cho rằng cần tuân thủ theo quy định pháp luật.
Ở góc nhìn khác, một số đại biểu đồng tình với phương án 2 của dự thảo Luật vì cho rằng, mối quan hệ giữa Nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức trong kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập là mối quan hệ hành chính. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó có nghĩa vụ trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.
Vì vậy, đối với tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Nhà nước sẽ xử phạt hành chính. Phương án này thể hiện chế tài nghiêm khắc của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ minh bạch tài sản, thu nhập; khắc phục tính hình thức trong kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua.
Tuy nhiên, hiện nay Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; chưa quy định về thẩm quyền xử phạt và mức phạt. Do đó, nếu áp dụng theo phương án này cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, cùng với đó là sửa đổi về thẩm quyền, mức phạt. Mức phạt được tính trên giá trị tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị các phương án khác để xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc. Cụ thể, có ý kiến đề nghị giữ quy định xử lý vi phạm về minh bạch thu nhập, tài sản như pháp luật hiện hành (Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập).Theo đó, không quy định về việc thu hồi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc; tài sản này sẽ bị xử lý, tịch thu sung quỹ Nhà nước nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được là do tham nhũng, do phạm tội mà có.
Đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý, tùy theo mức độ sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm... Nếu thực hiện nghiêm các quy định này cũng đủ bảo đảm tính răn đe và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng.
Có ý kiến cho rằng tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì không thuộc sở hữu của người phải kê khai và Nhà nước sẽ tịch thu qua trình tự tố tụng dân sự, có tranh tụng để đảm bảo được quyền lợi của các bên. Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ là chủ thể thay mặt Nhà nước để khởi kiện và bảo vệ quyền lợi của Nhà nước trước Tòa án. Có ý kiến đề nghị quy định cơ chế tịch thu tài sản theo trình tự, thủ tục hành chính, tư pháp (tương tự như trình tự, thủ tục Tòa án quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng). Theo đó, sau khi kết luận tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị Tòa án quyết định việc xử lý tài sản. Theo phương án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành pháp lệnh quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tại Tòa án. Tại phiên họp, các nội dung về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32 của dự thảo luật); việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước; trường hợp phải tiến hành xác minh tài sản, thu nhập khi được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác ( khoản 1 Điều 44 của dự thảo Luật)… cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể./.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực
21:49' - 05/03/2018
Chiều 5/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ tám thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
-
Kinh tế Việt Nam
Chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, không cào bằng nhưng đảm bảo dân chủ công bằng
15:55' - 02/03/2018
Các chuyên gia cho rằng việc chi thu nhập tăng thêm phải đảm bảo nguyên tắc gắn với hiệu quả công việc, không "cào bằng" nhưng đảm bảo dân chủ, công bằng
-
Kinh tế Việt Nam
Tp Hồ Chí Minh thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức
16:24' - 28/02/2018
Dự kiến nhu cầu kinh phí để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức Tp Hồ Chí Minh năm 2018 là hơn 2.340 tỷ đồng.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): cần tính toán để có lộ trình phù hợp
14:36'
Chính phủ cần phải tính toán để có lộ trình phù hợp đối với phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân, chứ không phải cứ nghĩ tăng thuế là tạo nguồn thu tốt hơn.
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Cân nhắc kỹ lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
13:45'
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
-
Kinh tế Việt Nam
Huy động tối đa nguồn lực hoàn thành 2 tuyến cao tốc
13:04'
Nhằm đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỉnh Hậu Giang triển khai đợt cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Trường Đại học quốc gia Malaya (Malaysia)
12:39'
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 22/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm và phát biểu tại Trường Đại học quốc gia Malaya (Malaysia).
-
Kinh tế Việt Nam
Hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng nguyên tử
12:17'
Qua 15 năm triển khai, Việt Nam phải triển khai các điều ước quốc tế đã đặt ra yêu cầu nội luật hóa, hoàn thiện chính sách, pháp luật năng lượng nguyên tử.
-
Kinh tế Việt Nam
Bình Dương bổ nhiệm nhiều nhân sự mới
11:43'
Sáng 22/11, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh chủ trì Hội nghị trao quyết định cho các cán bộ.
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội thống nhất chủ trương xây 3 cây cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi
10:26'
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương thực hiện 3 cây cầu qua sông Hồng nêu trên bằng nguồn vốn ngân sách.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng và phát triển 42 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm
08:30'
Nam Định chú trọng nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao...
-
Kinh tế Việt Nam
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
08:12'
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 22/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra: dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).