Tp Hồ Chí Minh thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức

16:24' - 28/02/2018
BNEWS Dự kiến nhu cầu kinh phí để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức Tp Hồ Chí Minh năm 2018 là hơn 2.340 tỷ đồng.
Tp Hồ Chí Minh thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhằm triển khai các nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh, Sở Tài chính Thành phố vừa trình UBND Tp. Hồ Chí Minh đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý.

Theo tính toán của Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh, với số lượng cán bộ, công chức thực tế thuộc đối tượng thụ hưởng chế độ chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù của thành phố (công chức là 11.645 người, viên chức là 122.157 người và cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn khoảng 6.440 người), dự kiến nhu cầu kinh phí để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức năm 2018 là hơn 2.340 tỷ đồng.

Giai đoạn 2019 - 2020, nhu cầu kinh phí trả thu nhập tăng thêm hàng năm sẽ tiếp tục được xác định dựa trên Quỹ tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của công chức, viên chức và cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn hưởng lương từ ngân sách thành phố. Nhu cầu tăng lương theo lộ trình của Chính phủ hàng năm và hệ số điều chỉnh tăng thu nhập hàng năm dựa trên khả năng cân đối ngân sách.

Mức chi trả thu nhập tăng thêm với hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị trong giai đoạn 2018 - 2020 theo lộ trình như sau: Năm 2018, tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Năm 2019 tối đa là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Năm 2020 tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

Nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại đơn vị là nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định hiện hành, được sử dụng theo trình tự như sau: Nguồn cải cách tiền lương của đơn vị từ năm trước chuyển sang; nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp theo quy định; nguồn cải cách tiền lương được trích lập từ nguồn thu được để lại hàng năm theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Đối với nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại cấp ngân sách quận, huyện bao gồm: Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm trước chưa sử dụng hết chuyển sang của cấp ngân sách quận, huyện; nguồn 50% tăng thu ngân sách quận, huyện (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) thực hiện năm trước so với dự toán năm năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách; nguồn 50% tăng thu ngân sách quận, huyện (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) dự toán năm hiện hành so với dự toán năm trước.

Đề án này là 1 trong số 21 đề án, nội dung được UBND Tp. Hồ Chí Minh xác định triển khai cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh. Nghị quyết này quy định các nội dung về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý./.

>> Phê duyệt biên chế công chức các cơ quan hành chính nhà nước năm 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục