Ủy viên kinh tế EU để ngỏ mức giới hạn nợ công cho từng nước thành viên

21:04' - 29/12/2021
BNEWS Ngày 29/12, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni đã để ngỏ đề xuất về mức giới hạn nợ công riêng cho từng quốc gia thành viên.

Đây là một phần của đề xuất cải cách Hiệp định Ổn định và tăng trưởng (SGP) mà ông Gentiloni dự định công bố vào khoảng giữa năm 2022.

Trao đổi với phóng viên nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, Ủy viên Gentiloni cho rằng không thể áp dụng một mức giới hạn nợ chung cho tất cả các nước thành viên vì hiện nay giữa các nước có sự khác biệt quá lớn.

 

Theo đó, sáng kiến cải cách của ông sẽ đề ra giới hạn nợ công riêng cho mỗi quốc gia và Ủy ban châu Âu (EC) cần được trang bị các công cụ hiệu quả hơn để thực thi các quy tắc ngân sách.

Ông cũng bác bỏ đề xuất của người đứng đầu Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu Klaus Regling về việc nâng mức giới hạn nợ công lên 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đối với tất cả các nước thành viên EU, cho rằng giải pháp này không phù hợp với tình hình chung.

Các chương trình hỗ trợ và đầu tư mà chính phủ các nước thành viên EU triển khai nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế và đời sống xã hội đã khiến nợ công của nhiều quốc gia vượt mức giới hạn 60% GDP theo quy định hiện tại của SGP.

Tháng trước, Ủy viên Gentiloni đã kêu gọi tiến hành cuộc thảo luận về cải cách các quy định nợ của EU, dựa trên việc xem xét những thách thức kinh tế do ảnh hưởng của khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Theo quy định của SGP, đã tạm ngừng áp dụng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành, các nước EU phải duy trì thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP và nợ công dưới 60% GDP.

Với tình hình nợ công ở Khu vực Đồng euro (Eurozone) đã tăng lên đến 102% GDP kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về tính thực tế của các quy định trên./.

>>>Rủi ro nào tác động tới triển vọng phục hồi kinh tế châu Âu?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục